Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất trong khu vực Đông Nam Á

Đây là thông tin được đưa ra tại Lễ ký kết thỏa thuận hợp giữa Công ty Reed Tradex Việt Nam, Cục Xúc tiến Thương mại và Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản trong khuôn khổ sự kiện “Diễn đàn Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam 2019”.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Phan Ngân, Giám đốc Dự án, Công ty Reed Tradex Vietnam cho biết: Như chúng ta đã biết, nhằm phục vụ cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam đã và đang thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 170 quốc gia, mở rộng xuất khẩu hàng hoá tới trên 230 thị trường, ký kết trên 90 Hiệp định thương mại song phương, gần 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước vươn ra thế giới .

Ngoài ra, với những bước tiến trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, mở ra nhiều cơ hội cho đầu tư nước ngoài, Việt Nam chính là “miền đất hứa”, thu hút số lượng lớn các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, sản xuất. Ước tính có hơn 10,000 công ty nước ngoài - bao gồm cả các công ty lớn trên toàn cầu như Samsung, Intel và LG - hoạt động tại Việt Nam hiện nay với xu hướng ngày càng phát triển và tăng cường sản lượng, mở rộng hoạt động. Điển hình như gần đây, LG đã chính thức tuyên bố chuyển nhà máy điện thoại từ Hàn Quốc sang Việt Nam, dự kiến thay đổi này sẽ giúp tăng công suất hàng năm của nhà máy điện thoại thông minh tại Việt Nam lên 83%, tương ứng với 11 triệu thiết bị từ nửa cuối năm 2019. Đây có thể xem là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy tiềm năng của thị trường Việt Nam đang dần được công nhận, hứa hẹn nâng tầm vị thế đất nước trong lĩnh vực sản xuất trong một tương lai gần.

Ông Phan Ngân, Giám đốc Dự án, Công ty Reed Tradex Vietnam

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp nói riêng cũng như trong nền kinh tế khi chiếm 98% tổng số doanh nghiệp, 40% GDP Việt Nam trong năm 2016. Tuy nhiên, nhóm này vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức do chưa đủ khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như thiếu tiềm lực cạnh tranh với các công ty nước ngoài. Năm 2017, chỉ 21% doanh nhiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ở Việt Nam đạt chuẩn trở thành mắt xích của chuỗi cung ứng toàn cầu, thấp hơn nhiều so với 30% ở Thái Lan và 46% ở Malaysia.

Và để Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất trong khu vực Đông Nam Á, các công ty trong ngành công nghiệp cần cùng nhau nỗ lực phát triển mạng lưới đối tác, phân phối kinh doanh, đồng thời thúc đẩy đưa các ngành công nghiệp hỗ trợ tăng trưởng, tạo nên sự bao phủ và tham gia mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đó, một trong các hoạt động xúc tiến thương mại tối ưu nhất chính là tham gia các triển lãm quốc tế, cầu nối giao thương quan trọng để các nhà sản xuất khám phá và cập nhật những giải pháp và công nghệ mới, cần thiết để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong thời điểm hiện tại, đồng thời tìm kiếm những cơ hội kinh doanh tiềm năng trong tương lai.

Hằng năm JETRO đều tiến hành khảo sát các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư ở Việt Nam. Theo kết quả khảo sát năm 2018, khi được hỏi về kế hoạch triển khai hoạt động trong thời gian từ 1 đến 2 năm tới, có gần 70% doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang đầu tư vào Việt Nam trả lời rằng “muốn mở rộng hoạt động kinh doanh”. Con số này tính trong phạm vi các nước ASEAN cũng thuộc top đầu. Tuy nhiên, một trong số những khó khăn là“tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, vật tư, linh kiện còn thấp” .

Tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, vật tư, linh kiện của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam là 36.3%. Tuy có tăng hằng năm nhưng vẫn còn thấp so với tỷ lệ của Trung Quốc 66%, tỷ lệ của Thái Lan 57%. Vì vậy, doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu từ các nước xung quanh như Thái Lan, Trung Quốc. Đây là nguyên nhân dẫn đến gia tăng chi phí và rủi ro lớn cho doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực chế tạo tại Việt Nam, đồng thời cũng là nguyên nhân gây khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất trung và dài hạn tại Việt Nam.

Ông Hironobu Kitagawa - Trưởng đại diện Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội: “Đánh giá về tình hình đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam: Năm 2018, số dự án đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 630 dự án với tổng số vốn đầu tư  khoảng 8 tỷ USD mức đầu tư cao thứ 2 tính đến hiện tại”.

Ngoài ra, trong ngành sản xuất nguyên liệu, linh kiện, vật tư hay còn gọi là phần lớn do doanh nghiệp vừa và nhỏ đảm nhận. Tuy nhiên, những hạn chế về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ chính là một trong những vấn đề còn tồn đọng ở Việt Nam. Vì vậy, nếu giải quyết được những vấn đề nêu trên thì sẽ có ngày càng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chú ý, quan tâm đến ngành sản xuất, chế tạo của Việt Nam. Và hơn nữa, có khả năng Việt Nam sẽ được thế giới công nhận là có kỹ thuật sản xuất, chế tạo cao.

Do đó, nhằm hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, đồng thời tạo môi trường kết nối thương mại giữa doanh nghiệp cung cấp Việt Nam và doanh nghiệp thu mua Nhật Bản, JETRO sẽ  tổ chức “Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản (SIE 2019)” và “Triển lãm quốc tế về Công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam (VME 2019)” sẽ được diễn ra đồng thời vào ngày 14-16 tháng 8 năm 2019 tại Trung tâm Triển lãm I.C.E Hà Nội (Cung Văn Hóa) với sự tham gia của các đơn vị triển lãm đến từ 16 quốc gia cùng hơn 200 công nghệ & máy móc tiên tiến.

Hương Lan