Viện Cơ khí – Trường ĐH GTVT TP. Hồ Chí Minh: Nhiều điểm nhấn về định hướng, đào tạo

Là một đơn vị tham gia Ban Thường vụ Liên chi Hội Khoa học kỹ thuật Công nghiệp tàu thủy phía Nam  (VISIA.S), Hội Khoa học Kinh tế Biển và là Ủy viên Ban chấp hành Hội Cơ khí tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Viện Cơ khí – Trường Đại học Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh mặc dù mới được thành lập trên 1 năm trên cơ sở hợp nhất hai khoa Cơ khí và Kỹ thuật tàu thủy, song đã đạt được những thành quả đáng kể trong năm qua. Để tìm hiểu rõ hơn những điểm nhấn về định hướng, đào tạo cũng như những thành công của Viện, Tạp chí Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn TS. Đỗ Hùng Chiến – Viện trưởng Viện Cơ khí – Trường Đại học Giao thông Vận tải (ĐH GTVT) Thành phố Hồ Chí Minh.

 

TS. Đỗ Hùng Chiến - Viện trưởng Viện Cơ khí - ĐH GTVT TP.Hồ Chí Minh

Phóng viên (PV): Thưa TS. Đỗ Hùng Chiến, để tăng cường chất lượng và quy mô đào tạo, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực, đặc biệt trong ngành công nghiệp tàu thủy, Viện Cơ khí đã thực hiện những gì?

TS. Đỗ Hùng Chiến: Để tăng cường chất lượng và quy mô đào tạo Viện Cơ khí mà cụ thể là Ngành Kỹ thuật tàu thủy đã có nhiều biến chuyển cụ thể như sau: Sinh viên hiện nay được học trong môi trường năng động, được trang bị năng lực chuyên môn trên giảng đường và tích lũy kinh nghiệm từ các đợt thực tập xưởng cơ khí, thực tập công nhân và thực tập kỹ thuật, bên cạnh đó các bạn sinh viên còn được trang bị kỹ năng mềm, tham gia các câu lạc bộ do Đoàn thanh niên và Hội sinh viên tổ chức. Phương pháp giảng dạy hiện nay đã có nhiều cải tiến, việc đưa các phần mềm ứng dụng vào giới thiệu, giảng dạy cho sinh viên giúp các em có kỹ năng ứng dụng lý thuyết đã học vào thực tiễn các bài toán thiết kế, triển khai công nghệ và mô phỏng tàu thủy. Tin học chuyên ngành và tiếng Anh chuyên ngành được chú trọng, các tài liệu giảng dạy cũng được cập nhật theo xu thế chung của thế giới. Bên cạnh đó, sinh viên khi triển khai các học phần đồ án thiết kế, chế tạo trong học kỳ hoặc luận văn tốt nghiệp được tham gia triển khai cụ thể vào mô hình thực tế, điều này giúp sinh viên có kỹ năng xử lý công việc và dễ hình dung, tiếp cận công nghệ mới.

Quá trình đi thực tập tại nhà máy đóng tàu, các cơ sở thiết kế chế tạo cơ khí, tàu thủy đã khác trước khá nhiều, sinh viên được tham gia làm việc cùng với công nhân, kỹ sư thực tế, doanh nghiệp hỗ trợ tiền lương thực tập và chi phí ăn trưa, điều này tạo động lực rất tốt cho sinh viên. Ngoài ra, lực lượng cựu sinh viên sau khi ra trường đã có sự kết nối lại với Viện, giúp đỡ các bạn sinh viên đang theo học có thêm kỹ năng triển khai công nghệ mà nhu cầu xã hội đang cần. Việc kết nối các doanh nghiệp trong Hội Khoa học Kỹ thuật tàu thủy, Hội Khoa học kinh tế Biển thành phố Hồ Chí Minh, Hội Cơ khí tỉnh Bà Rịa – Vũng tàu đã tạo cho Viện có chỗ đứng vững chắc trong xu thế hội nhập. Sinh viên được tiếp cận những doanh nghiệp có tiềm lực mạnh, đầu tư công nghệ tiên tiến và trang thiết bị hiện đại, do đó khi các em ra trường không bị bỡ ngỡ hay có khoảng cách lớn giữa học và làm việc.

Nghiệm thu Đề tài cấp bộ, Bộ GTVT

Mặc dù ngành công nghiệp tàu thủy trong nước đang gặp nhiều khó khăn, song trong những năm gần đây, việc tuyển sinh cho ngành Kỹ thuật tàu thủy của Viện Cơ khí trường Đại học Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh vẫn thu hút tốt nhất trong tất cả các trường đào tạo đóng tàu Việt Nam. Chúng tôi vẫn duy trì giảng dạy 3 chuyên ngành thuộc Kỹ thuật tàu thủy như: Thiết kế tàu, Công nghệ đóng tàu và Kỹ thuật công trình ngoài khơi. Sinh viên sau khi ra trường đều có việc làm ổn định và hiện có nhiều bạn đã giữ những vị trí quan trọng trong ngành, một số bạn đã mạnh dạn mở doanh nghiệp thiết kế, đóng tàu và cũng đã có chỗ đứng nhất định trong thị trường phía Nam.

Tuyên dương Sinh viên 5 tốt

PV: Thưa TS. Đỗ Hùng Chiến, Viện Cơ khí đã chủ động tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và sáng tạo trong và ngoài trường như thế nào để giảng viên, sinh viên có thêm cơ hội giao lưu, học hỏi, tăng cường kiến thức trong thời gian qua?

TS. Đỗ Hùng Chiến: Việc nắm bắt thị trường cũng là một chiến lược quan trọng, nhu cầu đóng mới và sửa chữa tàu khách du lịch, tàu vui chơi giải trí và các cấu kiện giàn, công trình biển đang tăng cao. Do đó, Viện Cơ khí đã định hướng nghiên cứu các đề tài cấp trường, cấp Bộ Giao thông vận tải về lĩnh vực tàu nhỏ và giàn khoan nổi, hướng dẫn sinh viên bắt nhịp với đà phát triển của khu vực. Đây cũng là điểm nhấn đào tạo theo định hướng ứng dụng của trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh.

Đối với công tác nghiên cứu khoa học của sinh viên, Viện Cơ khí phát động các cuộc thi, triển khai vườn ươm sáng tạo trẻ do Thành Đoàn tổ chức và sinh viên rất tích cực tham gia hưởng ứng. Viện Cơ khí có thế mạnh về nguồn lực nghiên cứu gồm 2 Phó Giáo sư, 7 Tiến sĩ, 6 nghiên cứu sinh và các giảng viên giảng dạy lý thuyết có trình độ Thạc sĩ, tổng số nhân lực hiện nay của Viện là 55 trong đó lực lượng lớn là các giảng viên trẻ. Do đó, sinh viên và giảng viên có khả năng phối hợp tốt trong các hoạt động nghiên cứu sáng tạo.

Là một đơn vị tham gia Ban Thường vụ Liên chi Hội Khoa học kỹ thuật Công nghiệp tàu thủy phía Nam  (VISIA.S), Hội Khoa học Kinh tế Biển và là Ủy viên Ban chấp hành Hội Cơ khí tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho thấy cơ hội lớn để giao lưu, trao đổi khoa học và chuyển giao công nghệ. Giảng viên của Viện cũng tham gia các diễn đàn, ban tổ chức các Hội nghị quốc tế về lĩnh vực kết cấu tàu thủy và công trình nổi, giúp sinh viên có nhiều điều kiện giao lưu, hội nhập quốc tế. Hàng năm Viện đều tổ chức các hội thảo kết nối doanh nghiệp để sinh viên có cơ hội tiếp xúc việc làm, đồng thời đây cũng là dịp để rà soát, chỉnh sử chương trình đào tạo trên cơ sở những góp ý từ phía doanh nghiệp cũng như đội ngũ cựu sinh viên.

Có thể nói, Viện Cơ khí mặc dù mới được thành lập trên 1 năm trên cơ sở hợp nhất hai khoa Cơ khí và Kỹ thuật tàu thủy, song đã đạt được những thành quả đáng kể trong năm qua. Sản phẩm các cuộc thi của sinh viên được Thành Đoàn đánh giá cao và thường xuyên được giới thiệu tại các diễn đàn tiếp xúc với học sinh, sinh viên toàn thành phố.

Sinh viên tham gia cuộc thi “Sinh viên với Robocon dưới nước 2020 (ROV 2020)”

PV: Đối với ngành công nghiệp tàu thủy, Viện sẽ có những định hướng gì để phát triển?

TS. Đỗ Hùng Chiến: Hiện nay Viện đã có định hướng điều chỉnh các chuyên ngành nhằm giảm tải cho sinh viên về học thuật và tăng cường thực hành, thực tập do có thuận lợi từ xưởng cơ khí của trường do Viện quản lý. Sinh viên làm đồ án môn học có mô hình thực tế sẽ được khuyến khích, sự phối kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp để tổ chức các sân chơi, các cuộc thi là hết sức cần thiết. Khi có sự chung tay của xã hội, bản thân người học cũng có động lực học tập tốt hơn, giảng viên dễ dàng triển khai công tác giảng day theo hướng tích cực chủ động, lấy sinh viên làm trung tâm. Việc triển khai phân chuyên ngành cho sinh viên theo nhu cầu của sinh viên cũng được áp dụng. Trong năm 2020, công tác tuyển sinh theo chuyên ngành được áp dụng, điều này cũng cho thấy sự lựa chọn ngành nghề của sinh viên đã từng bước cụ thể hóa hơn cho định hướng tương lai.

PV: Xin trân trọng cảm ơn TS. Đỗ Hùng Chiến về cuộc phỏng vấn này.