Vận tải biển “thoát đáy” nhanh để ổn định phát triển

Khi Vinalines tuyên bố giảm lỗ đến 70% ở khối vận tải biển năm 2018 và các doanh nghiệp vận tải khác cho biết nhìn chung đây là một năm kinh doanh ổn định thì “con tàu” vận tải biển trong nước cập bến năm 2018 có vẻ yên bình hơn.

“Sau những nỗ lực thực hiện tái cơ cấu tài chính, xử lý tài sản, cổ phần hóa và kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất kinh doanh...Vinalines đã đạt được kết quả lợi nhuận trước thuế khả quan, trong đó khối vận tải biển giảm lỗ đến 70%”, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Quyền Tổng giám đốc TCT hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã cho biết như thế về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2018.

Trong nước, Vinalines dù là một doanh nghiệp thua lỗ kéo dài trong 8 năm gần đây nhưng sản lượng vận tải biển vẫn chiếm thị phần khoảng 30% nên tình hình sản xuất kinh doanh của Vinalines phục hồi cũng phản ánh rất nhiều tình hình sức khỏe của doanh nghiệp vận tải biển năm 2018.

Kết quả này đặt trong bối cảnh năm 2018 toàn bộ khối doanh nghiệp vận tải biển cả nước tiếp tục chịu áp lực lớn do dư thừa nguồn cung tàu kéo dài trong bối cảnh nhu cầu tàu giảm sút và sự co lại của hoạt động vận chuyển các mặt hàng chính như sắt, than đá, quặng... Giá dầu thô trên thế giới cũng giảm mạnh. Nên mặt tích cực là giúp các doanh nghiệp giảm tỷ trọng chi phí nhiên liệu thì mặt tiêu cực là giảm giá cước vận chuyển xuống thấp hơn, ảnh hưởng đến doanh thu vận tải. Hầu hết các doanh nghiệp vận tải biển trong nước đều tích cực tìm kiếm thị trường nội địa và điều chỉnh nhiều tuyến vận tải (nhất là đối với tàu container) nên hoạt động khai thác đã được cải thiện hơn trước.

Chỉ tính riêng Vinalines, năm 2018, sản lượng vận tải biển của Vinalines đạt 26,7 triệu tấn, tăng 24,5% so với kế hoạch. Sản lượng hàng thông qua cảng đạt 96,6 triệu tấn, tăng 9,4% so với năm 2017. Tổng doanh thu: 13.997 tỷ đồng, vượt 2,6% so với kế hoạch. Tổng lợi nhuận đạt 365 tỷ đồng, trong đó: lợi nhuận khối cảng biển: 1.022 tỷ đồng, khối dịch vụ hàng hải: 83 tỷ đồng và khối vận tải biển giảm lỗ 209 tỷ đồng, giảm lỗ trên 80% so với kế hoạch. Kết quả này đã cho thấy ngành vận tải biển dần thoát đáy nhanh  hơn sau gần 10 năm lao dốc. Phải nói trường hợp của Vinalines vì đây là doanh nghiệp có đội tàu đông nhất cả nước. Với đà đó, Vinalines nói riêng hy vọng rằng năm tới họ sẽ đặt mục tiêu sản lượng vận tải biển khoảng 18 triệu tấn, doanh thu tăng không nhiều nhưng lợi nhuận trước thuế dự kiến sẽ gấp đôi (710 tỷ đồng).

Còn nói riêng về thị trường vận chuyển container nội địa năm 2018, theo lời một chuyên gia trong ngành logistic thì nhìn chung là ổn định, không có biến động lớn trong năm. Sản lượng hàng hóa cuối năm có tăng nhẹ cục bộ do ảnh hưởng của mưa bão đến khả năng vận chuyển đường bộ, đường sắt, chuyển sang vận tải đường biển. Tất cả các hãng tàu vẫn duy trì được tuyến dịch vụ thế mạnh của mình. Nhưng một tên tuổi như Gemadept đã giảm đến 90% doanh thu logistic do chuyển nhượng các công ty trong lĩnh vực này sang mô hình công ty liên kết nhằm tối đa hóa mô hình kinh doanh và lợi nhuận.

Đặc biệt, một số doanh nghiệp như Gemadept, Tân Cảng Shipping và Vinalines đều đang hướng đến duy trì khai thác các tuyến dịch vụ quốc tế và muốn đẩy mạnh mảng dịch vụ này .

Vấn đề là ở chỗ, cả nước hiện có 1.300 doanh nghiệp tham gia các loại hình dịch vụ hàng hải và logistics nhưng đa phần chỉ hợp tác và cung cấp dịch vụ logistic cho bên thứ hai nên quyển kiểm soát dịch vụ logistic vẫn thuộc về các doanh nghiệp lớn của nước ngoài và điều đó không phải là chuyện “một sớm một chiều” giành thị phần được.

Mặt khác, các cảng biển, các cảng cạn (ICD) là trung tâm, đầu mối phát triển logistic nhưng lại thiếu tính kết nối giữa đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt hay hàng không ...nên dẫn đến chi phí giá thành tăng. Các thủ tục hành chính rườm rà, khó khăn khiến chủ tàu, chủ hàng còn gặp nhiều phiền phức.

Tuy nhiên, nếu cơ chế một cửa quốc gia tại 9 khu vực cảng biển để thực hiện thủ tục điện tử cho tàu thuyển Việt Nam và tàu thuyền nước ngoài xuất, nhập, quá cảnh được áp dụng nhiều hơn và tình hình mất cung cầu dần cân bằng hơn thì các doanh nghiệp vận tải biển 2019 sẽ có đà tăng tốc hơn những năm khó khăn trước.

Thúy Anh