Vài nét về nữ tiến sĩ khoa học đầu tiên của Việt Nam

Đó là bà Hoàng Thị Nga (1903 - 1970), quê ở làng Đông Ngạc, nay là phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội. Sinh ra trong một làng văn hóa, khoa bảng, lại là con của Tổng đốc Hoàng Huân Trung (Hội Trưởng Hội Khai trí Tiến Đức) nên bà Hoàng Thị Nga sớm được giáo dục, rèn giũa cẩn thận và bài bản.

Thuở nhỏ bà được cho theo học trường nữ sinh tiểu học Pháp - Việt Ecole Brieux, còn gọi là phố Hàng Trống, sau mới chuyển về số 29 phố Takou, còn gọi là phố Hàng Cót (nay là Trường THCS Thanh Quan) tại Hà Nội. Sau đó bà được cho theo học Trường Sư phạm nữ sinh người Việt (École Normale des Institutrices annamites, nay là trường Trường THCS Trưng Vương) ở phố Hàng Bài

Sau khi tốt nghiệp trường sư phạm, bà đi dạy học ở Đáp Cầu (Bắc Ninh) một thời gian. Sau đó bà tiếp tục theo học tại Trường Cao đẳng Sư phạm (École Supérieure de Pédagogie), rồi sang Pháp nhập học tại Khoa Khoa học (Faculté des sciences) thuộc Đại học Paris (nay là Đại học Sorbonne)) tháng 8 năm 1928. Năm 1931, bà tốt nghiệp trường này và lấy được bằng Cử nhân.

4 năm sau, ngày 19 tháng 3 năm 1935, bà bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Khoa học vật lý (Docteur ès sciences physiques) với nhan đề "Tính chất quang điện của các chất hữu cơ" (Propriétés photovoltaïques des substances organiques). Bà trở thành phụ nữ Việt Nam đầu tiên đạt được học vị Tiến sĩ khoa học.

Tạp chí Khoa học số 97, ra ngày 01/7/1935 có bài “Thật là vẻ vang cho đàn bà nước Nam: Cô Hoàng Thị Nga mới đỗ tiến sỹ về khoa học vật lý” viết về bà Hoàng Thị Nga: “Hội đồng, sau khi nghe bài luận thuyết của cô, đồng thanh ngợi khen cô và nhận cho cô được lấy bằng tiến sỹ vào ưu hạng. Cô lại còn được khen về phương diện sư phạm nữa. Công chúng đến xem kỳ thi ấy đều tâm phục cái tài khoa học của một cô gái Việt Nam. Cô Hoàng Thị Nga lấy được bằng tiến sỹ khoa học trước nhất ở nước Nam này, thật cô đã làm vẻ vang cho nhà, cho nước, nhất là cho phái nữ lưu, cho các trường cô tòng học, cho các giáo sư đã luyện tập cho cô được thành tài, như ông Petelot, Bernard”.

Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, bà Hoàng Thị Nga về Đông Dương dạy ở bậc trung học. Từ 15/5/1945, bà Hoàng Thị Nga được chính quyền Pháp cử làm giáo sư Trường cao đẳng Khoa học và bà cũng là hiệu trưởng đầu tiên của trường này vào ngày 15/8/1945.

Cách mạng Tháng 8 thành công, dưới thời chế độ Việt Nam dân chủ cộng hòa, bà Hoàng Thị Nga được giữ lại làm giám đốc Đại học Khoa học.

Bà Hoàng Thị Nga quay trở lại nước Pháp và tham gia trong nhóm phát minh sáng chế vô tuyến màu ở Pháp, nên được nước Pháp vinh danh bằng cách ghi tên bà trên Bia tưởng niệm ở Nghĩa trang Danh nhân Pháp.

Theo hồi kí của giáo sư Đào Văn Tiến, bà Nga thường mặc bộ đồ tay-ơ, áo vét, váy ngắn màu xám, chân đi giày cao gót. “Nay có giáo viên người Việt mà lại là nữ, đứng trên bục đại học giảng bài bằng tiếng Việt, quả là một hiện tượng hiếm có”. Tại buổi khai giảng của trường, bài diễn văn khai mạc của bà ở đại giảng đường đã thu hút đông đảo sinh viên các ngành. Họ đứng chật ních cả hành lang vì tò mò muốn xem và muốn nghe vị nữ tiến sĩ đầu tiên của nước ta giảng bài. Hơn nữa bà còn được dư luận tuyên truyền là “cứng đầu, cứng cổ” dám kiện Chính phủ Pháp về tội thất tín.

Hôm tôi lên lớp giờ đầu tiên, bà theo tập tục của trường đại học thời Pháp, dẫn tôi vào lớp và nói: “Tôi xin giới thiệu với các bạn thầy Đào, người phụ trách giảng môn sinh học đại cương của niên khóa này”. Hôm sau, tôi hỏi bà tại sao ở Đại học Đông Dương tôi không thấy hiệu trưởng giới thiệu thầy giáo mới? Bà cười: “Ở thuộc địa lâu, họ đã quên mất nghi thức truyền thống đó, có lẽ vì không coi trọng sinh viên”.

Có một hôm, bà hỏi tôi: “Ông Đào có thể giải thích cho tôi hiện tượng này không?” rồi bà chậm rãi trình bày như sau: “Hôm nọ, có một người bạn dắt tôi tới nhà thầy bói Kế ở Khâm Thiên, nổi tiếng là đoán đúng tiền vận, hậu vận của con người. Ông ta hỏi ngày sinh, tháng đẻ rồi bấm ngón tay, lẩm bẩm. Ông ngẫm nghĩ một lúc rồi nói “Lần đầu tiên trong đời, tôi gặp một lá số thế này, rất khó đoán. Đương sự phải là người đỗ đạt cao, cử nhân tiến sĩ, nếu là nam giới thì không lạ, nhưng lại là nữ giới, thế mới kỳ”. Tôi để ý thì thấy thầy bói Kế mù mắt, chắc chắn không nhìn thấy tôi mà cũng không nghe thấy tiếng tôi – chỉ có nguyên người bạn tôi nói, tôi chỉ ngồi dự thính. Rồi ông thầy tiếp tục nói đương sự có số đi xa”. Bà nói tiếp “Ở Pháp, tôi có biết nhiều thầy tướng mặt, tướng tay, nhưng thầy xem phải là thầy rất giỏi về tâm lý, vừa đoán vừa thăm dò phản ứng của khách. Còn đây, thầy xem là người mù chỉ dựa vào mấy con số mà đoán, thật là lạ”.

ST