Trường Đại học Hàng hải Việt Nam: Sẽ đáp ứng nhu cầu hội nhập

Những năm qua cùng với sự suy thoái của nền kinh tế thế giới đã ảnh hưởng không nhỏ tới tổng quan nghành công nghiệp đóng tàu thế giới và trong đó có Việt Nam, các trường đại học đào tạo chuyên nghành hàng hải, đóng tàu cũng đứng trước những khó khăn thách thức không nhỏ trong việc tìm kiếm cơ hội việc làm cho sinh viên khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, trong thời đại bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, hoạt động đào tạo của các trường đại học sẽ phải đối mặt với yêu cầu cải cách và cạnh tranh mới. Trong bối cảnh đó, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã tập trung đổi mới toàn diện trên tất cả các mặt hoạt động. Đến nay, trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã khẳng định được vị thế là cái nôi đào tạo số 1 của ngành Giao thông Vận tải và cả nước. Để tìm hiểu rõ hơn về đào tạo cho ngành đóng, sửa chữa tàu, Tạp chí Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn với PGS.TS. Phạm Xuân Dương – Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam.

Phóng viên (PV): Thưa PGS.TS. Phạm Xuân Dương, Đại học Hàng hải Việt Nam là một trong trung tâm đào tạo về đóng tàu, sửa chữa tàu lớn nhất của Việt Nam trong gần 50 năm qua. Xin ông cho biết một số thành tựu chính của trường trong chuyên ngành này.

PGS.TS. Phạm Xuân Dương: Được thành lập từ 01/04/1956,trải qua hơn 63 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam (ĐHHHVN) đã trở thành một trong những cơ sở đào tạo tiên phong trong cả nước và bước đầu tạo được những thành tựu mang tính đột phá trong các lĩnh vực hợp tác quốc tế, đào tạo theo nhu cầu xã hội, liên kết - liên doanh trong đào tạo, huấn luyện và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn, tiến tới sản xuất đại trà các sản phẩm khoa học của nhà trường. Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đang thực sự đóng vai trò là trung tâm đào tạo nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chủ yếu cho nền kinh tế biển của đất nước.

Mô hình đào tạo trường Đại học Hàng hải Việt Nam hôm nay là môi trường giảng dạy, học tập tiên tiến bám sát thực tiễn. Nhà trường đã thực hiện đào tạo theo tín chỉ, các phòng học đã được cải tạo và nâng cấp theo yêu cầu mới, một số phòng học đạt tiêu chuẩn quốc tế, các phòng thực hành thí nghiệm đã được đầu tư bài bản, nhiều phòng thí nghiệm ngang tầm khu vực và quốc tế. Sinh viên thực hiện đăng kí môn học qua mạng, sinh viên có thể học 02 bằng, học vượt. Chuẩn đầu ra của sinh viên tốt nghiệp đúng cam kết và đáp ứng yêu cầu xã hội, được các nhà tuyển dụng trong, ngoài nước đánh giá cao về việc áp dụng chuẩn đầu ra về tiếng Anh và tin học. Đặc biệt đã có nhiều sinh viên từ các nước Hoa kỳ, Mozambich, Nam Phi, Lào, Myanmar, Hàn Quốc đến và đăng kí học tập tại trường. Với những gì mà nhà trường đã tạo ra chính là sự đổi mới tư duy lãnh đạo, quản lý, sự tận tâm của đội ngũ giáo chức, sự chuyên cần của các em sinh viên.

Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo của nhà trường cũng được thể hiện thông qua các kết quả của các đội tuyển Olympic: Giải tích, Đại số, Cơ kết cấu, Cơ lý thuyết, Sức bền vật liệu, Thủy lực, Vật lý, UwDTH trong CTM, UwDTH trong NLM, Tin học chuyên, Tin học VP, tiếng Anh và tiếng Anh chuyên tham gia ở tầm quốc gia đạt 26 giải. Trong những năm gần đây, các nhà khoa học của trường đã công bố 334 bài báo trên tạp chí quốc tế và trong các hội nghị, hội thảo quốc tế và 967 bài báo trên Tạp chí Khoa học Công nghệ Hàng hải và trong các hội nghị, hội thảo trong nước.

Bước vào năm học 2019-2020, tiếp tục thực hiện nghị quyết TW 8, “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo”,với vị trí trường trọng điểm quốc gia, Nhà trường đượcChính phủ giao quản lý và khai thác “Phòng thí nghiệm trong điểm Quốc gia - Bể thử mô hình tàu” nhằm làm chủ toàn diện công nghệ và đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành đóng tàu phục vụ kinh tế biển của đất nước.

PGS.TS. Phạm Xuân Dương: Mô hình đào tạo trường Đại học Hàng hải Việt Nam hôm nay là môi trường giảng dạy, học tập tiên tiến bám sát thực tiễn. Nhà trường đã thực hiện đào tạo theo tín chỉ, các phòng học đã được cải tạo và nâng cấp theo yêu cầu mới, một số phòng học đạt tiêu chuẩn quốc tế, các phòng thực hành thí nghiệm đã được đầu tư bài bản, nhiều phòng thí nghiệm ngang tầm khu vực và quốc tế.

PV: Trước những sức ép rất lớn của ngành đóng tàu trong khoảng hơn 10 năm vừa qua, trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã có những chương trình kế hoạch cụ thể nào để nâng cao các chương trình đào tạo về sửa chữa đóng tàu để phù hợp với yêu cầu của ngành?

PGS.TS. Phạm Xuân Dương: Với đặc thù là trường đại học có tính quốc tế hóa cao, nhà trường đã chủ động xây dựng các chương trình liên kết đào tạo (cấp độ thạc sĩ khoa học, tiến sĩ chuyên ngành, tiến sĩ khoa học) nhằm thu hút công nghệ, chương trình đào tạo tiên tiến, đồng thời đào tạo được đội ngũ cán bộ khoa học, giảng viên trình độ cao. Các đối tác liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học của nhà trường bao gồm trên 20 trường đại học, học viện lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hà Lan, Bỉ, Hoa Kỳ,... Nhà trường đã đăng cai tổ chức thành công nhiều hội thảo, hội nghị khoa học - công nghệ mang tầm cỡ khu vực và quốc tế; tham gia nhiều chương trình phối hợp nghiên cứu khoa học có tính thực tiễn cao ở trong nước và quốc tế.

Để có được sự phát triển vững vàng như hôm nay, trường Đại học Hàng Hải Việt Nam đã mạnh dạn áp dụng và triển khai thành công một số mô hình đào tạo trên cơ sở hợp tác, liên kết với các nhà tuyển dụng lao động thông qua việc thành lập các công ty, trung tâm liên danh, liên kết. Trong lĩnh vực đóng mới và thiết kế tàu thủy, có thể kể đến Công ty VMSK - Công ty liên doanh giữa Trường Đại học Hàng hải Việt Nam và các đối tác Nhật Bản, bao gồm: Công ty Mitsui Co., Ltd., Tập đoàn Kanax Corp. và Tập đoàn đóng tàu Shin Kurushima. Đây là một trong những đơn vị đầu tiên của Việt Nam có đủ khả năng thiết kế những con tàu chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế cho các nhà máy đóng tàu của Nhật Bản,có khả năng cạnh tranh với các công ty thiết kế của Nhật Bản trong các lĩnh vực thiết kế nguyên lý và thiết kế sản xuất các hệ thống đường ống phần vỏ, phần máy và thượng tầng, thiết kế bố trí trang thiết bị buồng máy, thượng tầng và trang thiết bị tàu bè,... Các sản phẩm thiết kế này có chiều sâu về chất lượng và chuyên nghiệp, đáp ứng hoàn toàn các yêu cầu chuyên môn cũng như các yêu cầu về tiến độ của đối tác Nhật Bản. Thông qua việc trực tiếp tuyển dụng các sinh viên tốt nghiệp từ nhà trường, các công ty tuyển dụng đã phản hồi, góp phần chỉnh sửa, bổ sung chương trình đào tạo của các chuyên ngành liên quan đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Bên cạnh đó, nhà trường thúc đẩy việc triển khai Dự án “Phòng thí nghiệm trọng điểm - Bể thử mô hình tàu thủy” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên, học viên nhà trường có cơ hội thực hành, thực tập trong các điều kiện phòng thí nghiệm hiện đại.

PV: Ngoài lĩnh vực đóng tàu, hiện nay Đại học Hàng hải Việt Nam đang có những chuyên ngành đào tạo nào được sinh viên theo học nhiều và đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của đơn vị sử dụng lao động?

PGS.TS. Phạm Xuân Dương: Nhà trường hiện đang đào tạo 44 chương trình hệ đại học, 13 chương trình cao học, 08 chương trình nghiên cứu sinh liên quan trực tiếp đến kinh tế biển với hơn 15.000 sinh viên theo học. Bên cạnh các chuyên ngành thế mạnh về lĩnh vực đóng tàu như: Thiết kế và sửa chữa máy tàu thủy, Thiết kế tàu và công trình ngoài khơi, Đóng tàu và Công trình ngoài khơi,… có rất nhiều các chuyên ngành khác của nhà trường được quan tâm và có số lượng sinh viên, người học đông đảo để đáp ứng nhu cầu xã hội như: Hàng hải, Máy tàu biển, Logistics và quản trị chuỗi cung ứng, Cơ Điện tử, Điện - Điện tự động, Kỹ thuật xây dựng công trình thủy, Kỹ thuật Môi trường,… Đặc biệt, từ năm 2010, nhà trường đã triển khai Chương trình đào tạo theo Chương trình tiên tiến với 03 chuyên ngành Kinh tế Hàng hải (Global Studies and Maritime Affairs), Kinh doanh quốc tế và Logistics (International Business and Logistics) và Quản lý Kinh doanh và Marketing (Business and Marketing Management) được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh bởi các giảng viên là các giáo sư, chuyên gia hàng đầu của Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Theo đó, nhà trường đã tiến hành tuyển sinh được 09 khóa với 1.524 sinh viên theo học các chuyên ngành đào tạo theo Chương trình tiên tiến.

Hội nghị thường niên lần thứ 18 của Diễn đàn các Trường Đại học Hàng hải và Đánh cá Châu Á (AMFUF)

PV: Thưa PGS.TS. Phạm Xuân Dương, trong tương lai, Đại học Hàng hải Việt Nam sẽ phát triển trọng tâm những ngành học nào nói chung và đối với việc đào tạo chuyên ngành sửa chữa, đóng tàu nhà trường sẽ có những ưu tiên như thế nào.

PGS.TS. Phạm Xuân Dương: Nhận thức rõ những yêu cầu về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành Hàng hải trong tương lai, trên cơ sở định hướng của Đảng, Nhà nước, trường Đại học Hàng hải Việt Nam tập trung phát triển những ngành nghề thế mạnh, truyền thống của nhà trường như: Hàng hải, Tự động điều khiển hàng hải, Nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm động cơ tàu thuỷ (đặc biệt động cơ dùng nhiều loại nhiên liệu, nhiên liệu sinh học biofuel), Phát triển công nghệ đóng mới, sửa chữa tàu thuỷ, tàu có tính năng cao, tàu quân sự các loại, Công trình biển và thềm lục địa, bảo vệ môi trường thuỷ, nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu, Khai thác và quản lý cảng biển, Logistics và chuỗi cung ứng.

Đối với sinh viên các ngành sửa chữa, đóng mới tàu thủy, nhà trường tăng cường cung cấp học bổng khuyến khích học tập, xây dựng các chương trình liên kết, thực tập tay nghề, tăng cường liên kết với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước để hỗ trợ tìm việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp,…

PV: Xin trân trọng cảm ơn PGS. TS Phạm Xuân Dương đã trả lời phỏng vấn của Tạp chí Công nghiệp tàu  thủy Việt Nam./.

Thực hiện: Lí Học