Trịnh Xương: Người kỹ sư thiết kế đầu tiên của Việt Nam

Một ngày đầu thu Hà Nội, kỹ sư Trịnh Xương đã về với các bậc tiền bối của công nghiệp đóng tàu như Ngô Văn Năm, Nguyễn Thanh Ba, Đoàn Kim Quang, Trịnh Văn Khâm,… trong đó có nhiu người xuất thân từ đóng tàu Ba Son.

Ông Trịnh Xương - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu, thiết kế tàu thuỷ (bên trái)
và ông Nguyễn Soạn - Nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp tàu thuỷ

Người hiệu trưởng trường THPT Lam Sơn sau những năm tháng phục vụ chiến tranh chống Pháp đã được kéo về với sông ngòi, biển cả. Đó là được đi học về nghề đóng tàu ngắn hạn 3 năm tại Thượng Hải.

Cuộc gặp lần đầu tiên vào cuối năm 1958 với Cục trưởng Ngô Văn Năm khi ông sang công tác tại thành phố này, đã quyết định hướng đi của Trịnh Xương, cũng là hướng đi của công nghiệp đóng tàu Việt Nam sau này. Cục trưởng bố trí để Trịnh Xương ở lại, tiếp tục học thực tập thiết kế tàu tại Phòng 2 Viện Thiết  kế, tiền thân của Viện 788 nổi danh ngày nay. Tại đây, người kỹ sư trẻ 27 tuổi được nghe thuyết giảng, được tiếp xúc với những chuyên gia đóng tàu hàng đầu của Trung Quốc lúc bấy giờ, từng được đào tạo từ Anh, Liên Xô,… như: Kim Thụ Thanh, Hà Trí Cương, Trương Cảnh Thành, Vương Hoài,Viên Tùy Thiện, Tân Nhất Tâm,...

Qua những giờ làm việc miệt mài, cùng với nhiều tài liệu, sổ tay sao chép lại, người kỹ sư thiết kế đầu tiên của nước ta (tính cả hai miền Nam Bắc vì vào lúc này đất nước chưa thống nhất), đã có cái nhìn tổng quan về công tác thiết kế một con tàu. Từ một ý tưởng mong muốn ban đầu tiến tới tạo dựng được một bộ hồ sơ đầy đủ, công việc tiến lên theo đường xoáy trôn ốc mà ta rất quen thuộc trong nghề thiết kế ngày hôm nay.

Trở về nước, kỹ sư Trịnh Xương đã có thời cơ thực hiện ngay những điều học tập được. Cùng với Lương Văn Triết, Đinh Ngọc Liễn, Đào Vũ Hùng,…những người trẻ vừa được đào tạo tại nước ngoài trở về và các kỹ thuật viên, cán bộ, công nhân hai nhà máy: Xưởng Đóng Tàu 1 và Xưởng Đóng Tàu 3, kỹ sư Trịnh Xương có nhiệm vụ biến những ý tưởng, mong muốn của các nhà lãnh đạo tối cao thành hiện thực về các phương tiện vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam.

Có lẽ, đó là lần đầu tiên, các con tàu có hình hài trên bản vẽ do chính người Việt thực hiện, trước khi biến thành con tàu bằng gỗ hay bằng thép, trải qua các công đoạn phóng dạng, làm dưỡng, gia công, không giống như việc đóng tàu dân gian là hoàn toàn theo kinh nghiệm, nhớ trong đầu óc.

Kết quả vận chuyển cho thấy trên thực tế, con đường trên biển có khả năng tối đa, khiến cho toàn thể cuộc họp bộ tổng tham mưu đang họp, dừng lại reo vui mừng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc đõ đã nhận xét: Tính ra theo đường biển, tàu chở được 30 tấn, trang bị được cho một Tiểu đoàn, tàu chạy 9 ngày, với một Tiểu đội, lợi hơn gấp bao nhiêu lần đường bộ, bằng 1.500 người đi trong 5 tháng không kể những khó khăn, trở ngại trên đường 59A Trường Sơn mà ta đã tiến hành xây dựng trong những năm qua.

Dù là sản phẩm đầu tay là con tàu 100 tấn dưới sự chỉ huy thiết kế của kỹ sư Trịnh Xương, dù được vẽ trong thời gian kỷ lục mà không phạm phải những thiếu sót thường thấy: phải dằn thêm do không cân bằng, phải gia cố do thiếu bền,… và còn được đóng hàng loạt tại nước ngoài sau khi đóng và hoàn thiện trong nước. Trong đấy là sự đóng góp to lớn của những người thợ xưởng III do Đoàn Kim Quang chỉ huy.

Con tàu vận tải 100 tấn đó đã  trở thành “con tàu không số” huyền thoại trong lịch sử đường biển của chúng ta. Bắt đầu từ bản vẽ tuyến hình đầu tiên do Trịnh Xương và Lương Văn Triết hoàn thành sau một đêm thức trắng tại 162 Trần Quang Khải phường Lý Thái Tổ quận Hoản Kiếm Hà Nội. Từ địa chỉ đó, cơ quan thiết kế tàu chuyển tới nhiều nơi: phố Hàng Bột, Hàng Trống, trước cửa chùa Voi Phục và cuối cùng là 80 Trần Hưng Đao với tên gọi đầy đủ là Viện Khoa học Công nghệ tàu thủy Việt Nam mà kỹ sư Trịnh Xương đã từng làm Viện trưởng.

Năm tháng trôi qua, có lẽ trong Bảo tàng Hàng hải Việt Nam trong tương lai, tên tuổi kỹ sư Trịnh Xương sẽ được khắc chữ vàng như người khai sinh ra ngành thiết kế trên nền khoa học đóng tàu của nước Việt Nam hiện đại, một gương sáng cho các thế hệ trẻ tiếp nối học tập, lao động, thực hiện chiến lược biển của đất nước.

Đỗ Thái Bình