Tiềm năng mới của thị trường khách tàu biển

Việt Nam có đường bờ biển dài với tiềm năng cảng nước sâu cùng nhiều điều kiện là lợi thế để Việt Nam phát triển du lịch tàu biển tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức và hạn chế.

 

 

Cảng tàu quốc tế Hạ Long đón chuyến tàu du lịch quốc tế 5 sao

Theo Tổng cục Du lịch, trong vòng 5 năm từ 2013-2018, số lượt khách tàu biển thế giới đã tăng khoảng 24% từ 21 triệu lượt lên khoảng 26 triệu lượt năm 2018. Trong đó, lượng khách đến du lịch tàu biển đến khu vực châu Á tăng trưởng trung bình đạt 23% từ 1,51 triệu lượt năm 2013 lên khoảng 4,26 triệu lượt năm 2018. Năm 2017 lượng khách tàu biển khu vực châu Á đạt 4,052 triệu lượt.

Đánh giá về tiềm năng này, bà Trương Thị Thu Hương - Vụ lữ hành, Tổng cục du lịch Việt Nam cho biết theo nghiên cứu xu hướng thị trường khách du lịch tàu biển khu vực châu Á cho thấy châu Á là điểm đến được yêu thích của nhiều thị trường nguồn gửi khách như Châu Âu, Bắc Mỹ, Châu Úc…nhờ tính hấp dẫn của sự khác biệt văn hóa, lịch sử đa dạng tại các điểm dừng chân…Nếu năm 2013 có 802 lượt chuyến tàu với hành trình từ các cảng với 1,4 triệu khách thì đến 2018, đã có 1.922 lượt chuyến tàu đi trong nội vùng với 4,26 triệu lượt khách.

Theo bà Hương, điều này cho thấy lợi thế về thị trường gửi khách gần đem lại nhiều cơ hội cho du lịch Việt Nam. Do đó cần phải quan tâm đến nhu cầu của khách tàu biển châu Á với các hành trình ngắn ngày trong chiến lược phát triển du lịch tàu biển. Đặc biệt, theo số liệu thống kê thì lượng khách Trung Quốc đang chiếm tới 60% nguồn khách du lịch tàu biển, tiếp đến là Đài Loan chiếm 9,2%; Singapore 6,6%; Nhật Bản 6,5%; Hồng Kông  chiếm 5,7%, Malaysia chiếm 4,6%; Ấn Độ chiếm 4,2%...

Nếu như trước đây, khách du lịch tàu biển thường là người trung lưu trở lên, đã nghỉ hưu thì hiện nay khách có xu hướng trẻ hóa, ngoài ra còn một lượng khách đi theo gia đình, nhóm bạn bè.

 

Để đáp ứng xu hướng du lịch tàu biển ngày càng gia tăng, đội tàu du lịch biển phát triển ngày càng hiện đại, khả năng chuyên chở ngày càng lớn. Bên cạnh đó, sự phát triển của hệ thống cảng biển và điểm đến đã tạo nên sự cạnh tranh gay gắt về điểm đến để thu hút khách nhưng cũng đồng thời tạo ra xu hướng liên kết để tạo ra hành trình, tuyến du lịch tàu biển có tính đa dạng, mang lại nhiều trải nghiệm cho du khách.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia dù lợi thế du lịch đường thủy của Việt Nam rất lớn, nhưng tình trạng thiếu bến đỗ, cảng biển đã khiến cho doanh nghiệp khó xoay trở. Việc chưa có cảng biển chuyên dụng để phục vụ đón khách du lịch tàu biển. Các tàu du lịch thường phải cập và neo đậu chung với cảng hàng hoá. Ngoài ra, chưa có nhà ga chuyên biệt để khách làm thủ tục nhập cảnh, mua sắm, tìm hiểu thông tin về điểm đến trước khi lên bờ tham quan du lịch thành phố.

Mặc dù, các thành phố đã có sự đầu tư bổ sung nhiều loại hình sản phẩm khác nhau để phục vụ khách du lịch tàu biển, nhưng vẫn còn thiếu những cụm mua sắm, ẩm thực, vui chơi giải trí quy mô lớn với tiêu chuẩn quốc tế, trung tâm siêu thị miễn thuế, sản phẩm lưu niệm đặc thù.

Thời gian lưu lại của tàu biển chưa dài, bình quân chỉ khoảng 1-2 ngày/lần cập cảng, thậm chí có những tàu chỉ dừng lại vài giờ. Tuy thời gian cập cảng phụ thuộc vào lịch trình của tàu, nhưng điều này đã cho thấy sản phẩm du lịch của Thành phố chưa thực sự thu hút và hấp dẫn du khách.

Việt Nam đã và đang đón liên tiếp các hãng tàu biển lớn, có hành trình theo mùa và định tuyến, nên có thể mở rộng miễn thị thực cho du khách, mở thêm các trung tâm vui chơi, mua sắm… nhằm kích cầu du lịch, đón các đối tượng du khách đặc thù, chuyên biệt, giàu có, từ các “siêu tàu” ghé Việt Nam.

Các chuyên gia về kinh tế cho rằng, xu hướng du lịch tàu biển tăng trong những năm gần đây đã dần tới mức “siêu tàu”, chuyên chở số lượng hành khách rất lớn. Nhưng những con tàu này không thể ghé TPHCM hay Đà Nẵng do chưa có nhiều cảng hành khách chuyên dụng.

Do đó, nếu gỡ được nút thắt về cảng hành khách chuyên dụng và mở thêm các tiện ích kèm theo phục vụ du khách, chắc chắn ngành du lịch tàu biển của Việt Nam sẽ có sự phát triển đột phá.

Hương Lan