Thói xấu viết vẽ lên di tích có từ bao giờ?

Tình trạng khách tham quan viết vẽ, khắc chữ tùy tiện trên các di tích, danh thắng lịch sử diễn ra tương đối phổ biến ở nước ta. Hiện tượng này không mới mà ít nhất đã có từ hàng trăm năm nay.

Vô Vi là ngôi chùa nhỏ, đẹp nằm cheo veo trên núi Tử Trầm thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Bước chân vào ngôi chùa nhỏ, ngoài sự cảm nhận sự bình yên trong trẻo và cảnh đẹp đến nao lòng là những giá trị văn hóa vật thể ở trên núi với 2 bài thơ nôm của Trần Văn Tăng đề trên vách đá năm 1914. Tuy nhiên, cảm giác này sẽ bị hẫng đi khi lên đỉnh núi, ngay sát lầu Nghênh phong, chúng ta thấy những dòng chữ của người đời sau rất vô duyên đục lên tấm bia mang nhai có từ thời Lê. (Ảnh 1)

Ảnh 1: Bia mang nhai ở chùa Vô Vi 

Những tên không có dấu như NGUYEN-H-UONG, NGUYEN CHI HUNG, NGUYEN HUU LOC, TRAN XUAN SINH, LUU HUY PHUC,… được khắc đè lên ngày 13.3.1960 như những nhát dao đâm thẳng vào di tích, đâm vào di sản của cha ông. (Ảnh 2)

Ảnh 2: Những nét chữ viết làm hỏng bia mang nhai chùa Vô Vi

Chùa Trầm, nằm cách đó không xa là nơi lưu giữ nhiều bút tích của tao nhân mặc khách trên vách núi cũng bị cảnh tương tự. Những dòng chữ được khắc năm 1950 dường như không nói lên được điều gì ngoài thông điệp cho thấy người làm trò này rất nhiều thời gian và hành động thiếu suy nghĩ (Ảnh 3).

Ảnh 3: Chữ viết làm nhem nhuốc vách đá khu chùa Trầm

Năm 1924, nhà văn hóa Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến có viết bài “Chơi Vịnh Hạ Long” đăng trên Tạp chí Nam Phong số 168, cho biết, khi ra hang Đầu Gỗ (Vịnh Hạ Long) ông đã thấy nhan nhản chữ viết lên danh thắng. Không chỉ người Việt mà cả du khách nước ngoài. Có lẽ Nguyễn Hữu Tiến là người tiên phong phản ánh tình trạng này trên báo chí thời kì đó.

 “Khi mới bước chân vào đã trông thấy tên người đề nhan nhản. À, thế ra chúng ta vô tình với non sông thật, giang sơn mà mình chỉ thấy những tên người ghi tạc đó tự bao giờ. Nhưng mà không, ta quên, cũng có tên đôi ba người ta đề theo vào đó mà nay ta mới tới đây, mới biết đây chính là Lục hải, mà ngoài Vân Hải kia là cửa bể Vân Đồn, chính là nơi tự đời Lí Anh Tôn đã mở cửa cho tàu khách các nước đến thông thương. Đời Trần đã có ông Trần Khánh Dư ra làm Vân Đồn phó tướng để giữ chẹn đường bể không cho quân Tàu tải lương sang. Ông đã từng phục quân ở Cửa Lục hải đánh quân của Trương Văn Hổ. Vì thế quân Nguyên hết lương, đức Trần Hưng Đạo mới bắt được tướng Nguyên là Ô Mã Nhi ở trên sông Bạch Đằng. Thế thì ba chữ Trần Khánh Dư đã tạc ghi với non sông này tự bao giờ, giả thử chúng ta có đề thêm cái tên Văn Kèo, Văn Cột của chúng ta vào đó cũng chỉ làm nhèm thêm vách đá ra mà thôi”. (Chơi Vịnh Hạ Long số 168).

Sự “lèm nhèm trên vách đá” của những tên Văn Kèo, Văn Cột như Nguyễn Hữu Tiến phản ánh càng được khẳng định khi chúng ta tìm ngược trở lại những bức ảnh chụp trong giai đoạn cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20. Chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi tình trạng viết vẽ bậy lên di tích, danh thắng đã diễn ra. Cũng ở Hang Đầu Gỗ, vịnh Hạ Long, những bức ảnh của Viện Viễn Đông Bác Cổ và ảnh trên con tem thời đó cho thấy, có rất nhiều chữ viết lên vách đá, từ chữ Hán, chữ Nhật đến chữ Quốc ngữ. (Ảnh 4)

Ảnh 4: Người Pháp gọi hang Đầu Gỗ là Động của các kì quan (Grotte des Merveilles). Bức ảnh cho thấy đã có rất nhiều vết viết nhem nhuốc ở đầy hồi đầy thế kỉ 20.

Đặc biệt, những vết lem nhem ở đằng sau tấm bia đá của vua Khải Định cho khắc ở hang Đầu Gỗ có ghi thời gian năm 1915, cho thấy, tình hình viết lem nhem này diễn ra tương đối lâu, cách nay đã hàng trăm năm. (Ảnh 5)

Ảnh 5: Năm 1915 đã có nét bút vẽ bậy ở sau tấm bia đá tại hang Đầu Gỗ. Nguồn: EFEO

Viết, vẽ lên di tích không phải là hành vi mới trong xã hội hiện đại. Dường như, đây là cách muốn được thể hiện “đánh dấu lãnh thổ” của những người mới được đặt chân đến vùng di tích, danh thắng kì vĩ, nhưng rõ ràng đó là những hành động thiếu văn hóa và không có ý thức bảo vệ danh thắng, di tích đó.

                                                                               Lí Nguyễn