Tết Nguyên Đán của Việt Nam

Tết Nguyên Đán  hay còn gọi là Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền là dịp lễ quan trọng nhất của Việt Nam. Trước ngày Tết, thường có những ngày khác để sửa soạn đón Tết như "Tết Táo Quân" (23 tháng chạp âm lịch) và "Tất Niên" (29 hoặc 30 tháng chạp âm lịch). 

Tết Nguyên đán – Tết sum vầy (Ảnh KT)

Tết Nguyên đán là dịp lễ lớn nhất, lâu đời nhất, có phạm vi phổ biến nhất của cả dân tộc Việt Nam. Theo truyền thuyết và lịch sử nước ta cho thấy, họ Hồng Bàng dựng nước Văn Lang từ năm Nhâm Tuất 2879 trước công nguyên, trị vì cả 2.622 năm. Kinh Dương Vương sinh ra Lạc Long Quân, sau khi nối ngôi, vị vua hiền đức này kết hôn cùng bà Âu Cơ sinh ra Hùng Vương. Từ thời đó, người Việt ta đã ăn Tết. Bắt đầu có bánh chưng, bánh dầy nhờ sáng kiến của Lang Liêu - con trai thứ 18 của vua Hùng Vương 6. Nền văn hoá Việt Nam với những đặc trưng của nền nông nghiệp lúa nước, cùng những sản vật từ lúa gạo. Gạo - thứ thực phẩm chính nuôi sống con người, trong đó gạo nếp là thứ ngon nhất, thơm, dẻo, nhiều chất. Chính vì lẽ đó, gạo nếp được chọn để làm thành bánh chưng, bánh dầy dành cho việc cúng tế tổ tiên trong ngày đầu năm.

Vì Tết tính theo Âm lịch là lịch theo chu kỳ Mặt Trăng nên Tết Nguyên Đán của Việt Nam muộn hơn Tết Dương lịch (còn gọi nôm na là Tết Tây). Toàn bộ dịp Tết Nguyên đán hàng năm thường kéo dài trong khoảng 7 đến 8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới (23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng).

Tết Nguyên đán là dịp lễ đầu tiên và quan trọng nhất trong năm, mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Chữ Nguyên có nghĩa là bắt đầu, chữ Đán có nghĩa là buổi ban mai, là khởi điểm của năm mới. Đồng thờiTết được tổ chức vào ngày mồng 1 tháng 1 theo âm lịch trên đất nước Việt Nam và ở một vài nước khác có cộng đồng người Việt sinh sống. Trong những ngày Tết, các gia đình sum họp bên nhau, cùng thăm hỏi người thân, mừng tuổi và thờ cùng tổ tiên...

Theo tín ngưỡng dân gian, người nông dân xem dịp Tết là dịp để tưởng nhớ các vị thần linh có liên quan đến nông nghiệp như thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước… Người nông dân cũng không quên ơn các loài vật đã cùng họ sớm hôm vất vả như trâu, bò, gia súc, gia cầm và các loại cây lương thực, thực phẩm đã nuôi sống họ.

Chợ xuân (ảnh Quý Thích)

Về ý nghĩa nhân sinh của Tết Nguyên đán, đó là Tết của gia đình, Tết của mọi nhà. Người Việt Nam có phong tục hằng năm, mỗi khi năm hết, Tết đến dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu, kể cả người xa xứ đều mong được về sum họp dưới mái ấm gia đình trong ba ngày Tết, được khấn vái dưới bàn thờ tổ tiên, được trở về quê hương nơi chôn rau cắt rốn.

Theo quan niệm truyền thống của người Việt Nam, ngày Tết xuân là ngày đoàn tụ, đoàn viên, mối quan hệ họ hàng làng xóm được mở rộng ra, ràng buộc lẫn nhau thành đạo lý chung cho xã hội; tình thầy trò, bè bạn cố tri, ông mai bà mối đã tác thành cho đôi lứa… Tết cũng là dịp đúc kết mọi hoạt động liên quan đến một năm qua, chào đón một năm mới với hy vọng tốt lành cho cá nhân và cho cả cộng đồng.

Hương Lan (T/H)