NGÀNH CÔNG NGHIỆP ĐÓNG TÀU VIỆT NAM: THỊ TRƯỜNG VẪN CÒN NHIỀU CƠ HỘI

Việt Nam là một trong 10 quốc gia có chỉ số cao nhất về độ dài của bờ biển ở ba hướng Đông, Nam và Tây Nam. Với những đặc điểm đó, chúng ta vẫn luôn được xác định là nước có vị trí thuận lợi trong việc phát triển ngành đóng tàu.

 

VẪN CÒN NHIỀU THUẬN LỢI

Trải qua gần 50 năm phát triển và trưởng thành, Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đã thực sự trở thành một ngành công nghiệp trọng điểm quốc gia với một hệ thống các nhà máy đóng tàu lớn nhỏ từ Bắc vào Nam, các nhà máy liên doanh với nước ngoài. Cùng với đội ngũ cán bộ công nhân viên hết sức đông đảo trở thành một nguồn nhân lực và trang bị kỹ thuật quan trọng, thiết yếu của quốc gia.

Cùng với đó, dưới góc độ địa lý, Việt Nam có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp đóng tàu khi chúng ta có bờ biển dài cùng với vùng đặc quyền kinh tế trên biển Đông rộng hơn 1 triệu km2.

Không chỉ có các điều kiện tự nhiên mà các chính sách của Đảng và Nhà nước cũng hỗ trợ cho ngành này phát triển. Trong “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045”, Việt Nam đã xác định kinh tế biển là động lực để lôi kéo, thúc đẩy các vùng kinh tế khác phát triển. Từ đó tạo sự chuyển biến cơ bản và toàn diện cơ cấu kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bước đi quan trọng để thực hiện Chiến lược biển là phát triển công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển. Không chỉ vậy, hiện nay, nhu cầu vận chuyển bằng đường biển cũng tăng cao, nên ngành công nghiệp đóng tàu sẽ có nhiều cơ hội về thị trường.

 

NHỮNG KHÓ KHĂN VẪN CÒN TỒN TẠI

Bởi ngành công nghiệp đóng tàu đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ vận tải hàng hóa - hành khách bằng đường biển/sông, công nghiệp quốc phòng, dầu khí và công nghiệp thủy hải sản…. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, ngành này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi thị trường đóng tàu trên thế giới tiếp tục suy giảm do thị trường vận tải biển suy thoái kéo dài. Áp lực cạnh tranh trên thị trường đóng tàu ngày càng gay gắt.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của khủng hoảng ngành cơ khí đóng tàu thế giới trong những năm qua và nhiều nguyên nhân khác, nhiều doanh nghiệp đóng tàu đã gặp nhiều khó khăn hạn chế, mất khả năng thanh toán. Thậm chí, hiện nay nhiều công ty hầu như không có các khách hàng lớn do các công ty vận tải hàng hải trong nước cũng đang gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh cũng như việc tìm kiếm nguồn vốn để đầu tư mở rộng đội tàu. Quỹ việc làm hàng năm của các đơn vị đang giảm dần không phát huy được năng lực cơ sở hạ tầng đã đầu tư lớn từ những năm trước. Mặt khác, các doanh nghiệp đóng tàu cũng đang gặp phải khó khăn về vấn đề tài chính do các khoản nợ đầu tư lớn tại các Ngân hàng chưa được tái cơ cấu; việc vay vốn ngân hàng để sản xuất gần như là không thể, việc vay vốn đầu tư dài hạn lại càng khó khăn hơn. Nhiều doanh nghiệp không thể mở thủ tục bảo lãnh thực hiện hợp đồng theo thông lệ quốc tế với các hợp đồng đóng tàu thương mại cho chủ tàu nước ngoài.

ĐỊNH HƯỚNG LỘ TRÌNH

Do đó theo nhiều nhiều chuyên gia, Chính phủ cần có chính sách thích hợp hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp làm nòng cốt để duy trì và phát triển ngành công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển. Sử dụng các nhà máy, dự án hiện có cơ sở hạ tầng phù hợp để tiếp tục đầu tư kết hợp với phát triển và hiện đại hóa đội tàu biển Việt Nam. Điều chỉnh để ổn định và phát triển ngành công nghiệp đóng tàu và vận tải biển, tạo tiền đề vững chắc cho giai đoạn tiếp theo, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội cần triển khai xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường thủy nội theo lộ trình, tăng cường khả năng vận chuyển bằng đường biển, đường thủy nội địa, dịch vụ logistics để tạo nên một hệ thống vận tải đồng bộ, liên hoàn và hiệu quả; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là tại các cảng biển từ thủ tục đăng ký, đăng kiểm tàu; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp đóng tàu biển; tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải thủy nội địa, cảng biển, bến bãi, khuneo đậu tránh trú bão...

Mặt khác, Nhà nước cần có chính sách để hỗ trợ các Chủ tàu lớn phát triển đội tàu hiện đại, hỗ trợ đầu ra cho các doanh nghiệp đóng tàu, góp phần phát triển vận tải đường thủy trong nước và cạnh tranh với các hãng vận tải lớn trên thế giới. Đồng thời, có chính sách ưu đãi về vay vốn lưu động cho các đơn vị đóng tàu, bảo lãnh thực hiện hợp đồng với chủ tàu nước ngoài đối với những sản phẩm được đánh giá là hiệu quả, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm tốt công tác thị trường, tiếp cận các sản phẩm thương mại quốc tế.

CƠ HỘI CHO NGÀNH ĐÓNG TÀU VIỆT NAM

Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng năm 2019, vận tải hàng hóa đạt 1.244,5 triệu tấn, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước và 237,9 tỷ tấn.km, tăng 7,5% (quý III ước tính đạt 421,5 triệu tấn, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước và 81,2 tỷ tấn.km, tăng 7,9%).

Theo báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam, 9 tháng năm 2019, lĩnh vực vận tải biển giữ được đà tăng trưởng tốt, khối lượng hàng thông qua cảng biển do đội tàu Việt Nam vận chuyển đạt hơn 81 triệu tấn, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khối lượng hàng container thông qua cảng của đội tàu biển Việt Nam đạt 1,2 triệu Teus, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến tháng 6 năm 2019, đội tàu biển Việt Nam có 1.568 tàu với tổng dung tích khoảng 4,8 triệu GT, tổng trọng tải khoảng 7,8 triệu DWT. Tuổi tàu bình quân của đội tàu Việt Nam hiện là 15,6, trẻ hơn 5,2 tuổi so với thế giới (20,8 tuổi). Cơ cấu đội tàu biển Việt Nam cũng phát triển theo hướng chuyên dụng hóa. Đặc biệt, đội tàu container Việt Nam tăng trưởng khá tốt từ 19 tàu trong năm 2013 lên 39 tàu vào năm 2019.

Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến từ Hà Lan, Singapore đã đầu tư vào ngành đóng tàu Việt Nam sau một giai đoạn “trầm lắng” do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Sự trở lại của nhiều nhà đầu tư nước ngoài được kỳ vọng sẽ giúp ngành đóng tàu Việt Nam bắt kịp được đà tăng trưởng trở lại.

Đông Nghi