MSC: Hãng tàu container lớn nhất thế giới năm 2022

Theo thông tin tổng hợp từ marinemonks.com, Công ty Vận tải biển Địa Trung Hải (Mediterranean Shipping Company - MSC) được đánh giá là hãng tàu container lớn nhất thế giới năm 2022.

Hãng tàu MSC được thành lập tại Napoli vào năm 1970 bởi thuyền trưởng Gianluigi Aponte với con tàu đầu tiên “Patricia”, tiếp theo là “Rafaela” với tuyến vận chuyển giữa Địa Trung Hải và Somalia. Năm 1977, công ty mở các tuyến Bắc Âu, Châu Phi và Ấn Độ Dương. Cuối những năm 1980, MSC mở các tuyến Bắc Mỹ và Úc.

MSC tham gia kinh doanh du thuyền vào 1988 với 2 du thuyền Monterey và Lauro, thành lập công ty lấy tên là StarLauro Cruises. Sau khi thêm vào đội tàu của mình Rhapsody và Melody, StarLauro Cruises đổi tên thành MSC Cruises. Bên cạnh kinh doanh tàu container,  hãng tàu container hàng đầu thế giới cũng sở hữu một đội du thuyền sang trọng, thuộc đẳng cấp thế giới với sự đầu tư khổng lồ lên đến 9 nghìn tỉ euro.

Vận tải biển hiện nay đóng vai trò then chốt trong vận chuyển hàng hóa quốc tế, bởi nó đáp ứng được đúng nhu cầu vận chuyển về số lượng, khối lượng hàng hóa, thời gian vận chuyển với giá cước vô cùng tối ưu. Các nhà vận tải đã nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của mình để đề ra các chiến lược phát triển, đưa thương hiệu của mình trở thành những hãng tàu hàng đầu thế giới.


Kể từ tháng 10 năm 2014, Diego Aponte (con trai của người sáng lập MSC Gianluigi Aponte) được bổ nhiệm làm chủ tịch và CEO của MSC.

Vào tháng 12/2014, MSC xếp thứ 6 trong Top 100 công ty có ảnh hưởng nhất trong ngành vận tải biển của Lloyd.

Đầu năm 2015, MSC hạ thủy con tàu container lớn nhất, MSC Oscar với trọng tải 19.224 TEU. Sau đó, hãng tiếp tục hạ thủy thêm 3 tàu container cùng công suất lần lượt là MSC Oliver, MSC Zoe và MSC Maya.

Tháng 2 năm 2017, MSC mua lại 49% cổ phần của Messina Line - một hãng tàu của Ý, chuyên các tuyến đường biển ngắn khu vực nội Địa Trung Hải, và từ châu Âu đến Đông Phi và Tây Phi. Hãng sở hữu 8 tàu RORO, một bến cảng ở cảng Genoa và một đội tàu container với công suất 65.000 TEU.

Vào tháng 10/2018, MSC cho Grimaldi Group thuê 2 con tàu chở ô tô, thay thế chúng trên tuyến đi Tây Phi bằng 2 tàu ConRO của Messina Line (MSC Cobalto và MSC Titanio).

Tháng 01/2021, MSC được Hiệp hội Bảo vệ Môi trường biển Bắc Mỹ (NAMEPA) trao chứng nhận và con dấu “Hộ chiếu hàng hải bền vững” (Maritime Sustainability Passport) vì đáp ứng được các cam kết về bảo vệ môi trường, chăm sóc nhân viên và trách nhiệm trong quản trị công ty.

Năm vừa qua, với chiến lược thu mua nhiều tàu cũ, hãng tàu này đã bổ sung cho đội tàu của mình gần 100 chiếc tàu. Với tổng số lượng hơn 645 chiếc tàu và sức tải khoảng 4.287.473 TEU, Công ty Vận tải biển Địa Trung Hải đã vượt qua Maersk trở thành hãng tàu lớn nhất thế giới năm 2022 về tổng số sức chứa hàng hóa (TEU).

Theo báo cáo Logistics và chuỗi cung ứng hàng năm, có hơn 11 tỷ tấn hàng hóa được vận chuyển mỗi năm bằng đường hàng hải. Khoảng 80% xuất nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU) là bằng đường biển. Đặc biệt, số lượng hàng hóa có thể vận chuyển bằng đường biển là rất lớn so với bằng đường hàng không và chi phí lại vô cùng tối ưu.


Hiện MSC điều hành 524 văn phòng trên 155 quốc gia trên toàn thế giới với hơn 100.000 nhân viên. Hãng tàu của MSC hoạt động trên hơn 215 tuyến đường thương mại, ghé qua hơn 500 cảng. Đặc biệt, MSC có hai con tàu container lớn nhất thế giới là MSC Gülsün và MSC Samar.

MSC đã đầu tư một khoản chi phí mở rộng rất lớn kể từ tháng 8 năm 2020, thu mua 125 tàu cũ. MSC cũng đã ký hợp đồng đóng mới nhiều container hơn bất kỳ hãng vận tải nào trên thế giới. Theo dữ liệu của Alphaliner, 2 hãng tàu MSC và Maersk hiện chiếm 16,9% thị phần trên thế giới.

Hãng tàu MSC có mặt tại Việt Nam từ năm 2000 và hoạt động thông qua các văn phòng tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh và Quy Nhơn.

(Thông tin tổng hợp từ internet)