Một ít phong dao về ngày Tết và mùa xuân

​​​​​​​Cái chính sóc (Ngày mùng 1 tháng Giêng âm lịch) theo âm lịch mà nước ta xưa nay đó là của Tàu. Song cái chính sóc ấy người Tàu cũng mới nhất định độ 2200 năm trở lại đây chớ hồi trước thì có thay đổi nhiều lần.

Hồi nhà Hạ (2205 trước Jésus) vẫn theo chính sóc đời xưa, kiến Dần, nghĩa là lấy tháng Giêng làm đầu năm như lịch bây giờ. Đến nhà Thương (1783 trước Jésus) lại kiến Sửu, lấy tháng Chạp làm đầu năm. Đến nhà Chu (1134 trước Jésus) kiến Tý, lấy tháng 11 làm đầu năm. Nhà Tần lại đổi chính sóc lần nữa, kiến Hợi, lấy tháng mười làm đầu năm. Cho đến sau nhà Hán mới bỏ kiến Tý mà đi theo kiến Dần như nhà Hạ, từ đó tuân hành luôn hơn hai nghìn năm cho đến Dân Quốc mới theo Dương lịch.

Nước ta từ hồi có sử thì lấy kiến Dần luôn, chớ không có sự thay đổi chi như Tàu; còn về hồi chưa có sử như đời Hùng Vương thì chính sóc của ta thế nào, thật không biết được.

Bởi vì theo sử ta không đủ mà khảo cứu, nên nhắc sơ một đoạn lịch sử về sự thay đổi của chính sóc của Tàu như trên kia để cho biết rằng cái ngày Tết đời xưa nó đã thay đổi nhiều phen, chớ không phải nhất định.

Ngày Tết đời xưa đã thay đổi mà không có nhất định thì nếu sau này ta bỏ Âm lịch mà theo Dương lịch cũng là một sự thường chẳng lấy chi làm lạ vậy, ấy chỉ vì sự cần dùng theo thời đại mà thôi.

Sự theo Dương lịch chắc rồi đây cũng phải theo. Nếu vậy thì cái ngày Tết âm lịch sau này rồi nó sẽ thành ra đồ cổ, chỉ để làm vật cho người ta khảo cứu. Bởi nghĩ như thế, tôi mới lượm lặt mấy câu phong dao có quan hệ với ngày Tết mà viết bài này, hầu để làm tài liệu cho ai muốn khảo cứu về sau.

Ngày Tết chỉ vào ba ngày mồng một, mồng hai, mồng ba của tháng Giêng năm mới, nhưng từ bữa ba mươi của tháng Chạp năm cũ cũng đã kể ra Tết rồi, mà ngày ấy lại là ngày quan hệ hơn ba ngày sau nữa. Vì người ta phải chạy tiền, chạy gạo, mua sắm mọi vật trong ngày ấy; rồi qua đến ba ngày sau chỉ ngồi đó mà ăn thôi.

Bởi vậy có câu:

Có không, mùa đông mới biết, giàu nghèo ba mươi Tết mới hay.

Lại có câu:

Khôn ngoan đến cửa quan mới biết; giàu nghèo ba mươi Tết mới hay.

Người ta làm ăn khó nhọc quanh năm, chỉ có ba ngày Tết là ngày ăn chơi sung sướng, theo tục ta là như vậy. Bởi vậy, dầu kẻ nghèo khó đến đâu nữa cũng phải sắm ăn trong ba bữa ấy cho sung túc, cho đó mới có câu này:

Đói hòng chết, ba ngày Tết cũng no.

Chẳng những vậy thôi, lại còn chỉ lo trong ba ngày ấy cho no, những ngày khác đói thây kệ! Người ta mới dám mạnh miệng nói rằng:

No ba ngày Tết, đói ba tháng hè.

Ba tháng hè tức là ba tháng mùa hạ. Theo ngoài Bắc, ba tháng hè là ba tháng chưa đến ngày mùa, cũng có lẽ đói thật.

Sở dĩ như vậy thì tại theo tư tưởng người mình thì đời người ta duy có gần Tết là sướng hơn hết, là quan trọng hơn hết, bởi có nói rằng:

Sống, ngày Tết; chết ngày giỗ.

Nhưng sướng thì sướng mà phải lo:

Tết đến sau lưng, ông vải thì mừng con cháu thì lo.

Nói thì như vậy, chứ kỳ thật bao nhiêu của cúng cấp ngày Tết rồi cũng con cháu xơi hết chớ ông vải nào có được chi? Tuy vậy Tết nhất thì thế nào cũng nghĩ đến việc ông bà trước đã, trong đó đủ thấy cái thói tục trọng tổ tiên của người mình vậy.

Thịt heo là món ăn chính của người mình, mà duy có ngày Tết thì nhà nào cũng có, nên anh thầy bói mới đoán tiên tri cho cô kia mà rằng:

Số cô chẳng giàu thì nghèo, đến ba mươi Tết thì có thịt heo trong nhà.

Dầu nghèo đi nữa, đến ba mươi Tết cũng có thịt heo, ấy là sự tất nhiên vậy.

Ngoài Bắc đến Tết thì có nhiều bánh chưng, cũng như trong Nam nhiều bánh tét, nhiều đến nỗi thấy mà chán không muốn ăn, nói rằng:

Dửng dưng như bánh chưng ngày Tết.

Ngày Tết chỉ có ăn với chơi. Hết ăn rồi hết chơi.

Cái Tết lại trúng nhằm mùa xuân, là mùa ấm áp vui vẻ, hợp với sự chơi lắm. Người ta giục nhau chơi mà nói rằng:

Ai ơi chơi lấy kẻo già, măng mọc có lứa, người ta có thì.

Chơi xuân kẻo hết xuân đi, cái già xồng xộc nó thì đến sau!

Thiệt vậy, theo tâm lý người mình cũng như mọi người thiên hạ, cũng cho cái xuân là đẹp, là quý, nó đi đi là đáng tiếc:

Một năm là mấy tháng xuân?

Một ngày là mấy giờ dần sớm mai?

Năm kia dễ mấy mùa xuân?

Đỏ kia hầu dễ mấy lần đặt tên?

(Chú thích: Đỏ là con đỏ, đứa ở gái (TG))

Một năm chưa dễ mấy xuân?

Gái kia chưa dễ mấy lần đưa dâu?

Huống chi:

Một năm một tuổi, như đuổi xuân đi!

Xuân qua mà tuổi của người ta cũng qua màu nhan sắc và có sức vóc, cũng một ngày một kém thì không chơi cũng phí mất một đời, cho nên:

Tháng giêng ăn Tết ở nhà, tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè.

Làm như vậy để giết cái thì giờ của ba tháng xuân đi, mà dẫu có chết xuống mồ cũng không còn ân hận, là phải lắm.

Song le, chúng ta đương ngày nay, ở trong cái tình cảm này, ở trong cái đời sanh hoạt khó khăn này, mà ăn làm sao? Mà chơi làm sao? Mà vui sướng làm sao? Dẫu có một đôi người ăn chơi vui sướng đi nữa, khi nghĩ đến phần đông đồng bào đương sống cơ cực, chân lấm tay bùn kia, mà chẳng đau lòng vì xuân sao được? […]

 

                               Hùng Sơn

(Nguồn: Sách chơi xuân năm Tân Vị (Năm Tân Mùi) do Nam Kỳ thư quán

xuất bản tại Sài Gòn năm 1931, tr. 49-52)