Energy Observer: Tàu hydrogen đầu tiên tự hành và không phát thải đến Việt Nam

Tàu quan sát năng lượng Energy Observer vừa dừng chân tại TP.Hồ Chí Minh - điểm thứ 73 trong chuyến Du hành vòng quanh thế giới.

Energy Observer là tên của con tàu hydrogen đầu tiên tự hành và không phát thải, vừa là phương tiện vận động vừa là phòng thí nghiệm cho quá trình chuyển đổi sinh thái.

Khởi hành vào năm 2017 từ Saint-Malo, cảng quê hương của con tàu, Energy Observer đã đi hơn 50.000 hải lý, thực hiện 72 lần dừng chân, trong đó có 16 lần tổ chức làng giáo dục lưu động và đến thăm hơn 40 quốc gia, gặp gỡ những người đã dành tâm huyết để tạo ra các giải pháp bền vững và tôn trọng hành tinh nhằm khám phá các giải pháp chứng minh rằng một tương lai năng lượng khác là điều có thể thực hiện được.

Việt Nam là một trong những điểm dừng chân cuối cùng trên chuyến Du hành của Energy Observer ở Đông Nam Á, sau khi đã có chặng đường kéo dài nhiều tuần lễ ở Thái Lan để ghi lại những thách thức đối với quá trình chuyển đổi năng lượng và sinh thái của nước này.

Được nâng cấp từ một con tàu hai thân huyền thoại, từng là chiếc thuyền buồm chiến thắng cuộc đua vòng quanh thế giới cùng với Sir Peter Blake, Energy Observer là một phòng thí nghiệm chuyển đổi sinh thái được thiết kế để thúc đẩy các giới hạn của công nghệ không phát thải. Năng lượng hydro, mặt trời, gió, thủy triều, mọi giải pháp đều được trải nghiệm, thử nghiệm và tối ưu hóa ở đó để biến năng lượng sạch trở thành giải pháp cụ thể và dành cho mọi người

Energy Observer có sự hỗ trợ chính thức của Bộ Chuyển đổi Sinh thái, UNESCO, Liên minh châu Âu, Irena (Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế) và Ademe (Cơ quan Môi trường và Quản lý năng lượng Pháp).

Nhiệm vụ chính trong chuyến thám hiểm của Energy Observer chính là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi thông qua đổi mới sáng tạo, bằng cách chứng minh rằng các công nghệ và sự kết hợp năng lượng trên tàu hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt và có thể được nhân rộng hơn cả trên đất liền và trên biển.

A.T