Dự báo cước vận tải đường biển tiếp tục duy trì các kỷ lục trong năm 2022

Theo báo cáo của Thang dịch vụ nhà đầu tư (MIS) của Moody’s, cước phí vận tải đường biển dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở các mức kỷ lục cho đến hết năm 2021 và thậm chí là kéo dài sang năm 2022 khi cầu thị trường vượt cung tải một cách đáng kể theo hướng gia cường khả năng tăng trưởng lợi nhuận cho các hãng vận chuyển.

Theo nền tảng chuẩn hóa cước vận tải Xeneta, mức cước thời vụ có hiệu lực trong vòng một tháng cho tuyến dịch vụ kết nối cảng chính Trung Quốc với các cảng chính Bờ Tây nước Mỹ hiện đã ở mức 4.553 USD cho một TEU (đơn vị dung lượng vận tải tương đương với thể tích một container kích thước 20 feet - ND), tăng 400% so với cùng tuần của giai đoạn năm 2019, trước khi xảy ra đại dịch Covid.

Cước thời vụ cho tuyến dịch vụ Trung Quốc – Bắc Âu hiện leo lên mức 5.726 USD, tăng 636% so với thời điểm năm 2019, trong khi đó tuyến xuyên Đại Tây dương kết nối Bắc Âu và các cảng chính Bờ Đông nước Mỹ, mức cước thời vụ đã lên tới 3.010 USD/TEU, tăng 218% cùng kỳ năm 2019.

Giá cước theo hợp đồng trung dài hạn từ 3 tháng trở lên cho các tuyến dịch vụ Trung Quốc – Bờ Tây nước Mỹ lên đến 1.941 USD cho một FEU (đơn vị vận tải tương đương một container 40 feet – ND) tăng 92% so với năm 2019; cước hợp đồng cho tuyến Trung Quốc – Bắc Âu tăng lên mức 1.614 USD/TEU; tuyến Bắc Âu – Bờ Đông nước Mỹ chạm mức 1.307 USD/TEU, tăng 52%.

Cũng theo Xenera, dù mức cước liên tục leo thang kỷ lục như vậy nhưng cầu vẫn quá mạnh trong khi cung tải trọng lại quá khan hiếm, thực tế này đã khuyến khích các hãng vận tải đưa ra yêu cầu về một mức “đảm bảo” (từ nguyên gốc: premium – ND) nhằm cam kết cung cấp tải trọng, mức “đảm bảo” này khá cao ở mức trên dưới 2.500 USD áp dụng cho một container hàng hóa được vận chuyển.

Nền tảng thị trường cước trực tuyến Freightos xác nhận rằng hệ quả của tình trạng tắc nghẽn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảng Diêm Điềm (Thâm Quyến, Trung Quốc) trong 2 tháng qua, cùng với nhu cầu cứ bền bỉ tăng, khiến hiện trạng thiếu hụt container rỗng càng trở nên trầm trọng và gia tăng áp lực lên giá cước thị trường.

Freightos bình luận: “Kết cục là, các nhà nhập khẩu đang phải trả mức cước quá đắt đỏ, hầu hết các chủ hàng thời vụ đang phải trả mức “đảm bảo” hàng ngàn USD cao hơn mức thị trường chỉ để đổi lại sự bảo lãnh về tải trọng được cung ứng”.

Theo Robert Khachatryan, Giám đốc Vận hành của hãng giao nhận Freight Right Global Logistics - hiện đang sử dụng nền tảng thị trường Freightos - các chủ hàng có hợp đồng cước năm với các hãng vận tải cũng chỉ được phân bổ sử dụng mức cước hợp đồng đó cho khoảng 10% lượng hàng hóa của mình, 90% container hàng hóa buộc phải sử dụng cơ chế giá “đảm bảo”. Tổng mức cước dưới cơ chế “đảm bảo” tại thời điểm đầu tháng 7/2021 cho tuyến dịch vụ châu Á – Bờ Tây nước Mỹ đã tăng lên 10 lần so với cùng kỳ năm 2020.

 

X. H