Đóng tàu Hồng Hà: Đơn vị Anh hùng với nét đẹp ân tình

Trải qua 56 năm xây dựng và phát triển, trên hành trình nhiều khó khăn, thách thức, Công ty TNHH Một thành viên Đóng tàu Hồng Hà (Nhà máy Z173) đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đóng mới và sửa chữa tàu quân sự, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, xứng danh đơn vị 2 lần Anh hùng.

Nhà máy được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2000)
Ngày 30/10/1965, Ban Ca nô, thuộc Cục Quản lý xe máy/Tổng cục Hậu cần - tiền thân của Nhà máy Z173 hiện nay được thành lập và đóng quân tại Cảng Phà Đen, Thành phố Hà Nội. Nhiệm vụ khi mới thành lập của Ban Ca nô là đặt hàng sản xuất các phương tiện thuyền gỗ, thuyền nan, thuyền gắn máy, ca nô, sà lan phục vụ quân đội. Vượt qua khó khăn về nhân lực, cơ sở vật chất, đơn vị đã chủ động, sáng tạo vươn lên để tự thực hiện sản xuất, sửa chữa ca nô rà phá bom từ trường và các phương tiện phục vụ công tác vận tải đường thủy.

Với những thành công trong việc chuyển đổi mô hình từ đặt hàng sang trực tiếp sản xuất, tháng 4/1968, Cục Quản lý xe máy đã ra Quyết định thành lập Nhà máy Q173W trên cơ sở điều chỉnh lại chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của Ban Ca nô. Năm 1972, Nhà máy đổi phiên hiệu quân sự từ Q173W thành A173. Trong điều kiện chiến tranh gian khổ, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nhưng các cán bộ, công nhân viên của Nhà máy đã quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, vừa xây dựng, vừa tổ chức sản xuất, kịp thời đáp ứng nhu cầu của tiền tuyến. Trong đó, Nhà máy đã nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa hàng trăm ca nô, sà lan, phương tiện vận tải thuỷ; hoán cải hàng chục ca nô phục vụ rà phá thuỷ lôi để làm nhiệm vụ khai thông các tuyến đường sông, cửa biển; cải tiến các xe Zin 130 thành xe phao vượt sông, xe thùng thành xe tec chở dầu; xe AM có lắp cuộn từ trường để kích bom nổ chậm và nhiều mặt hàng khác phục vụ Quân đội. Sự nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ, công nhân viên A173 khi đó đã góp phần quan trọng cùng quân và dân cả nước làm nên đại thắng lịch sử Mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước. Với những đóng góp và thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác sản xuất, phục vụ chiến đấu, Nhà máy đã hai lần vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Sau khi đất nước thống nhất, Nhà máy đã nhiều lần thay đổi phiên hiệu, tổ chức biên chế, vị trị đóng quân để bảo đảm phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ của Quân đội. Trong đó, năm 1977, đơn vị chuyển địa điểm đóng quân từ Cảng Phà Đen, Hà Nội về xã Kim Lương, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Năm 1981, tiếp tục chuyển về đóng quân tại xã Lê Thiện, huyện An Dương, TP. Hải Phòng. Năm 1983, đơn vị đổi tên thành Xí nghiệp 173 để phù hợp với quy mô sản xuất, tổ chức biên chế mới và hoạt động theo hình thức tự hạch toán. Trong giai đoạn này, đơn vị tiếp tục có những đóng góp tích cực đối với nhiệm vụ xây dựng và tái thiết đất nước sau chiến tranh.

Bước vào thời kỳ đổi mới, đơn vị gặp rất nhiều khó khăn, thách thức khi chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng XHCN; do cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, thiếu đồng bộ, sản phẩm quốc phòng hạn chế, việc phát triển các sản phẩm kinh tế gặp nhiều khó khăn do sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường. Trước khó khăn, thử thách, Đảng uỷ, chỉ huy Xí nghiệp đã đề ra chủ trương và hướng đi mới, chuyển từ sửa chữa tàu sông sang sửa chữa tàu biển; đồng thời, tổ chức lại sản xuất theo hướng tinh gọn; huy động mọi nguồn vốn để nâng cấp trang thiết bị, cải tiến hệ thống triền đà, nhà xưởng; đẩy mạnh công tác tiếp thị, quảng bá thương hiệu. Đây là bước chuyển đổi mang tính chiến lược, mở ra thời kỳ phát triển mới của đơn vị. Theo đó, năng lực sản xuất của Xí nghiệp từng bước được nâng lên, bắt đầu thu hút được khách hàng và đã tiếp nhận, sửa chữa thành công nhiều chủng loại tàu thuyền trong và ngoài Quân đội bảo đảm chất lượng, tiến độ với giá thành cạnh tranh, được các đơn vị quản lý sử dụng tàu và khách hàng đánh giá cao; tiêu biểu trong số đó là tàu vận tải Đại Khánh 400 tấn, tàu cuốc 570 tấn, các loại tàu vận tải 500 tấn, 600 tấn,... Với cách làm, hướng đi đúng, Xí nghiệp đã từng bước vượt qua khó khăn, đời sống cán bộ, công nhân viên được cải thiện và là tấm gương sáng trong giai đoạn đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Do vậy, năm 1989, Xí nghiệp đã được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gửi thư khen ngợi vì đã “Chấp nhn cuc cnh tranh giành ưu thế trên th trường”; đây là sự động viên khích lệ hết sức to lớn để Xí nghiệp tiếp tục phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, tìm hướng đi mới để đơn vị phát triển ổn định, lâu dài. Trong đó, Xí nghiệp xác định chiến lược, mục tiêu phát triển dài hạn, bền vững cho đơn vị là đóng mới tàu biển; đây là chủ trương đúng đắn, nhận được đồng thuận cao của cán bộ, công nhân viên và là sự khởi đầu cho những thành công của Xí nghiệp sau này. Với một loạt các giải pháp để nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ, công nhân viên, đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng và tổ chức lại hệ thống sản xuất, quản lý điều hành,... Xí nghiệp đã đóng mới thành công tàu đánh cá, tàu vận tải 450 tấn cho Quân chủng Hải Quân, các tàu chở xăng dầu từ 150 đến 450 tấn cho Cục Vận tải,... được đơn vị quản lý sử dụng tàu và bạn hàng đánh giá cao.

Với sự phát triển nhanh chóng cả về quy mô, tổ chức của Xí nghiệp, ngày 17/4/1996, Bộ Quốc phòng đã ký Quyết định số 471/QĐQP về việc thành lập Công ty đóng tàu Hồng Hà (phiên hiệu quân sự Nhà máy Z173) để phù hợp với mô hình tổ chức, quản lý mới. Đến tháng 12/1999, Nhà máy Z173 được điều động từ Tổng cục Hậu cần về trực thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và được Bộ Quốc phòng đầu tư về cơ sở hạ tầng, năng lực sản xuất để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; đánh dấu một bước phát triển quan trọng đối với lịch sử hình thành và phát triển của đơn vị. Cũng trong giai đoạn này, Công ty tập trung nghiên cứu, phát triển công nghệ đóng tàu vỏ hợp kim nhôm, tàu vỏ thép cường độ chịu lực cao; đề ra nhiều chính sách phù hợp để thu hút nhân lực có trình độ, tay nghề cao; cử cán bộ, công nhân viên đi học tập, đào tạo trong và ngoài nước để nâng cao năng lực chuyên môn, trình độ quản lý,... Từ đó, đóng mới thành công các loại tàu tuần tra cao tốc vỏ hợp kim nhôm, tàu vận tải quân sự 450 tấn, các loại xuồng phục vụ cứu hộ, cứu nạn,... theo đúng mục tiêu đã đặt ra. Với những thành tích đã đạt được, năm 2000, đơn vị vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới - đây là phần thưởng cao quý, đánh dấu một mốc son trong lịch sử phát triển của Công ty.

Tiếp nối những thành công đó, Nhà máy đã nghiên cứu, tìm hướng phát triển công nghệ đóng mới các tàu chiến đấu cho quân đội. Trong đó, đã chủ động đề xuất phương án mua thiết kế sơ bộ của nước ngoài để tổ chức thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công và đóng mới tàu quân sự trong nước. Với hình thức như vậy, Nhà máy đã đóng mới thành công tàu tuần tra cao tốc TT-200 đầu tiên trang bị cho lực lượng Cảnh sát biển, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Sau loạt tàu TT-200, Nhà máy tiếp tục triển khai thành công chương trình đóng tàu tuần tra TT-400 cho Cảnh sát biển với hình thức tương tự; trong đó, tàu TT-400 chiếc số 1 đã vinh dự được chọn là công trình tiêu biểu của Bộ Quốc phòng chào mừng kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2005).

Tàu pháo TT400TP là một sản phẩm điển hình, mang đậm dấu ấn của Nhà máy Z173, đánh dấu mốc son quan trọng về sự phát triển của đơn vị trong giai đoạn hiện nay

Giai đoạn 2005 - 2015, Nhà máy đã tiếp tục phát huy truyền thống và tinh thần chủ động, sáng tạo để nghiên cứu, đề xuất phương án triển khai đóng mới các sản phẩm tàu quân sự có hàm lượng công nghệ cao. Trong đó, Nhà máy đã đóng mới thành công và bàn giao cho Quân chủng Hải quân tàu pháo tuần tiễu TT-400TP bảo đảm chất lượng, tiến độ. Đây là gam tàu chiến đấu quan trọng của Hải quân, có trang bị hỏa lực mạnh, hệ thống vũ khí khí tài điện tử hiện đại, được phát triển, hiện đại hóa trên cơ sở thiết kế của tàu tuần tra TT-400 Cảnh sát biển. Việc đóng mới thành công tàu TT-400TP đã khẳng định năng lực, trình độ công nghệ đóng tàu của đơn vị và khả năng tiếp cận, làm chủ công nghệ đóng tàu chiến đấu hiện đại trang bị cho Quân đội. Cũng trong giai đoạn này, Nhà máy đã đóng mới thành công nhiều tàu vận tải, bổ trợ quân sự trang bị cho các lực lượng vũ trang như: Tàu chở quân, tàu vận tải 450 tấn, tàu chở xăng dầu 1.000 tấn, phà quân sự, tàu tuần tra 150 tấn, tàu vận tải đa năng tiếp dầu trên biển,... đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ sửa chữa, bảo đảm kỹ thuật hàng trăm lượt phương tiện cho các đơn vị trong toàn quân.

Với những thành tích đã đạt được trong giai đoạn 2005 - 2015, Nhà máy đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Độc lập Hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba. Đặc biệt, năm 2015, Nhà máy vinh dự được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Nhà máy được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2015)

Giai đoạn từ năm 2016 đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của Nhà máy gặp không ít khó khăn do các chương trình, dự án và các gam tàu có giá trị lớn, dài hạn đã kết thúc; các sản phẩm quốc phòng được giao rất hạn chế, chủ yếu với quy mô nhỏ lẻ và số lượng ít, giá trị thấp; các sản phẩm kinh tế chịu sự cạnh tranh quyết liệt trên thị trường. Trong khi đó, hệ thống nhà xưởng, trang thiết bị, máy móc sau nhiều năm khai thác sử dụng đã bắt đầu xuống cấp; các khu công nghiệp trên địa bàn đóng quân bằng nhiều hình thức đã thu hút rất nhiều lao động có năng lực, kinh nghiệm của Nhà máy. Đứng trước những khó khăn, thử thách nêu trên, Nhà máy đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của Nhà nước, BQP để được tham gia triển khai đóng mới các tàu cho Quân đội; đồng thời, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm kinh tế, xuất khẩu để tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động và duy trì năng lực sản xuất quốc phòng.

Dưới sự chỉ đạo của Thủ trưởng BQP và Thủ trưởng Tổng cục CNQP, Nhà máy đã tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị tham mưu, đề xuất để được tham gia triển khai dự án đóng mới để bảo đảm duy trì sản xuất. Bên cạnh đó, đơn vị cũng chủ động mở rộng thị trường đóng tàu trong nước và xuất khẩu để bảo đảm việc làm, ổn định thu nhập trong giai đoạn trước mắt, duy trì năng lực sản xuất quốc phòng được giao. Theo đó, trong giai đoạn 2015 - 2020, Nhà máy đã triển khai đóng 10 xuồng cao tốc xuất khẩu sang thị trường châu Phi, 02 tàu kéo cho Tập đoàn Damen, hai sản phẩm cho Cục Kiểm ngư, nhiều sản phẩm cho Tổng cục Hải quan và hàng trăm xuồng các loại cho Tổng Cục dự trữ Nhà nước,... góp phần giúp đơn vị vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt.

Về chiến lược phát triển dài hạn, Nhà máy đã báo cáo Tổng cục, BQP để được đầu tư mua sắm thiết bị, công nghệ hiện đại, tiên tiến và tăng cường công tác đào tạo nâng cao trình độ về mọi mặt cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên, người lao động nhằm đáp ứng những yêu cầu khắt khe theo tiêu chuẩn đăng kiểm quốc tế; nghiên cứu, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 và Chương trình 5S để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác quản lý sản xuất. Đồng thời, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng Nhà nước, BQP để đề xuất phương án triển khai đóng mới các tàu sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài cho các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển; trên cơ sở đó xây dựng định hướng phát triển dài hạn cho doanh nghiệp. Đến nay, dự án đóng mới tàu tuần tra cao tốc cho Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã được triển khai; dự án đóng mới các tàu tìm kiếm cứu nạn xa bờ SAR cho Cảnh sát biển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư; Dự án đóng mới tàu tuần tra cao tốc của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng sử dụng gói vay ưu đãi 500 triệu USD của Chính phủ Ấn Độ đã được đề xuất trong danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, bảo đảm tính khả thi cao trong triển khai thực hiện.

Cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, Nhà máy luôn chú trọng giữ vững và phát triển mối đoàn kết quân dân, tích cực tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ các tổ chức chính trị, xã hội, các gia đình chính sách; tham gia các phong trào do địa phương phát động, phối hợp cùng với đảng bộ, chính quyền và các tổ chức của địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị địa bàn nơi đơn vị đóng quân. Thường xuyên ủng hộ địa phương củng cố hạ tầng cơ sở, xây dựng các công trình phúc lợi, phát triển kinh tế góp phần xoá đói giảm nghèo; ủng hộ giúp đỡ nhiều địa phương, tổ chức trên cả nước như xây dựng trường tiểu học Bản Khao B cho huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai; xây dựng nhà nội trú cho học sinh dân tộc huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá, ủng hộ quỹ “Vì người nghèo”; xây dựng hàng chục nhà tình nghĩa, nhà đồng đội; tặng sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách, thương bệnh binh,... với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, Nhà máy đã có chính sách ưu tiên tuyển dụng hàng trăm lao động người địa phương, lao động là con em các gia đình chính sách vào đơn vị công tác, qua đó góp phần tô đẹp thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, được nhân dân tin yêu quý mến.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao Nhà máy đã thường xuyên chăm lo xây dựng đảng bộ trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, các tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc. Chú trọng xây dựng đội ngũ cấp uỷ và cán bộ chủ trì các cấp, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng đủ sức lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu phát triển trong từng giai đoạn. Thường xuyên kiện toàn về tổ chức lực lượng; quan tâm bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức, lao động quốc phòng có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật giỏi đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay và những năm tiếp theo. Tập thể CBCNV, người lao động luôn có nhận thức chính trị, lập trường tư tưởng vững vàng; không ngừng phát huy bản chất cách mạng và phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nội bộ đoàn kết thống nhất, Đảng bộ liên tục đạt TSVM, đơn vị VMTD.

Có thể khẳng định, trước yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển, Nhà máy đã kế thừa và phát huy xứng đáng truyền thống đoàn kết, chủ động, sáng tạo mà bao thế hệ CBCNV, người lao động vun đắp nên; giữ vững sự ổn định về chính trị, bảo đảm an toàn về mọi mặt; giữ gìn và phát triển mối quan hệ đoàn kết quân dân; luôn chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho CBCNV, người lao động.

Nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống, Nhà máy được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Trải qua 56 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ quốc phòng, trực tiếp là Đảng ủy, Thủ trưởng Tổng cục Hậu cần trước đây và hiện nay là Đảng ủy, Thủ trưởng Tổng cục CNQP, lớp lớp các thế hệ cán bộ, đảng viên, công nhân viên, người lao động của Nhà máy luôn đoàn kết, chủ động khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Với những thành tích đã đạt được, Nhà máy đã vinh dự được Đảng, nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác; hàng trăm lượt cá nhân được tuyên dương và khen thưởng, trong đó có đồng chí Trung tướng Nguyễn Đức Lâm - nguyên Giám đốc Nhà máy, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục CNQP được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Trong dịp kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống (tháng 10/2020), Nhà máy vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong xây dựng Quân đội nhân dân, củng cố quốc phòng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đây là niềm phấn khởi, tự hào của các thế hệ cán bộ, công nhân viên, người lao động Nhà máy, đồng thời là động lực quan trọng để đơn vị không ngừng phấn đấu xây dựng và phát triển trong những năm tiếp theo.

Đại úy Nguyễn Văn Tới - Phó Chủ nhiệm Chính trị