Công ty Cổ phần Đóng tàu Sông Cấm: 60 năm một chặng đường

Ngày 28 tháng 5 năm nay, Công ty Cổ phần Đóng tàu Sông Cấm tổ chức kỉ niệm 60 năm Công ty xây dựng và trưởng thành. Đồng hành cùng ngành đóng tàu Việt Nam từ những năm chiến tranh ác liệt đến giai đoạn đất nước thống nhất, độc lập và đổi mới, Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm đã có nhiều đóng góp cho ngành công nghiệp nước nhà và từng bước xây dựng Sông Cấm là một trong những công ty có thành tích tốt, phát triển bền vững của ngành đóng tàu hiện nay.

Công ty Cổ phần Đóng tàu Sông Cấm là doanh nghiệp trực thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, tiền thân là xí nghiệp cơ khí Hải Phòng. Vào những năm 1950, Công ty là một xưởng sản xuất nhỏ của nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi, sau được chuyển nhượng cho Hãng Sô-pha của chủ tư sản người Pháp. Năm 1955, một số công thương Việt Nam đã trang bị thêm máy móc cho xưởng để sản xuất phụ tùng và đóng mới sà lan 30T bằng công nghệ tán đinh Rivê. Ngày 28 tháng 5 năm 1959, Ủy ban hành chính Thành phố Hải Phòng đã ra quyết định số 152/NQ thành lập xưởng công tư hợp doanh “Hải Phòng cơ khí”. Tháng 3 năm 1961, Thành phố Hải Phòng quyết định sáp nhập Xưởng đóng tàu II với Hải Phòng cơ khí thành xưởng “Cơ khí Hải Phòng” và chuyển giao cho Bộ Giao thông Vận tải quản lý. Xưởng cơ khí Hải Phòng trở thành xí nghhiệp quốc doanh với nhiệm vụ chủ yếu là đóng mới và sửa chữa các loại tàu và sà lan.

Những năm tháng chiến tranh ác liệt

Từ 1961 đến 1965 là giai đoạn cả nước thi đua hăng hái lao động sản xuất, quyết tâm hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất trong bối cảnh đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh, đánh phá miền Bắc, trong đó Hải Phòng là một trong những mục tiêu của địch. Nhà máy cơ khí Hải Phòng đã xây dựng kịp thời phương án, lên kế hoạch bảo đảm sản xuất, sẵn sàng chiến đấu và nhà máy đã giành những thành tích đáng tự hào trên mọi mặt hoạt động, đó là tiền đề về vật chất và tinh thần cho nhà máy, bước vào thời kì hàn gắn chiến tranh, khôi phục sản xuất và sẵn sàng chiến thắng. Vì vậy, trong giai đoạn từ năm 1965 đến năm 1985, Nhà máy đã lắp ráp mới tàu cuốc công suất 275 m³/h của Liên Xô, các Sà lan từ 200-250 tấn của Ba Lan, Rumani, Triều Tiên; Đóng mới và sửa chữa các sà lan chở hàng, sà lan chở đất, tàu kéo, tàu hàng trọng tải đến 400T, tàu chở khách đến 200 chỗ ngồi và các phương tiện khác.

Thời kỳ đổi mới

Vào năm 1986, dù Việt Nam đã bắt tiến hành công cuộc cải cách, mở cửa nền kinh tế nhưng kinh tế xã hội vẫn chưa ổn định, nhà máy gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục, lãnh đạo nhà máy từng bước vận dụng cơ chế mới, khắc phục tồn tại của cơ chế bao cấp, chuyển sang cơ chế hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, nhờ đó nhà máy hoàn thành kế hoạch nhiều năm liền. Kết quả, từ năm 1986 đến năm 1994, Nhà máy đã đóng mới đoàn sà lan chở hàng trên boong loại 240T cùng tàu đẩy theo thiết kế của Thụy Điển; đóng mới và sửa chữa các loại sà lan, tàu kéo, tàu hàng đến 450T; đóng mới tàu chở khách đến 200 chỗ ngồi, du thuyền cho Pháp; sửa chữa các tàu phục vụ dầu khí và các phương tiện vận tải thuỷ khác. Vượt qua thời kì khó khăn này nhà máy đã tự chủ trong sản xuất kinh doanh, tiếp tục đổi mới và hội nhập. Sau những năm đầu đổi mới, nhà máy đã có những bước tiến quan trọng, vượt qua nhiều thử thách, từng bước thích ứng với cơ chế thị trường, định hướng XHCN. Đó là cơ sở quan trọng và vững chắc để công ty bước đi mạnh mẽ trong thời kì mới.

Trong giai đoạn từ 1995 đến 2002, Nhà máy tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng như: Đóng mới các loại như tàu vận tải quân sự trọng tải 650T-H119, tàu đánh cá C10-680CV, tàu tuần tra cao tốc vỏ thép cường độ cao V56, V57, ST114, tàu vỏ hợp kim nhôm ST112, tàu hoa tiêu V61, cửa đốc Huyndai-Vinashin, sà lan trọng tải 400T chở container, phao thành ụ nổi 8500T, xuồng nhôm cao tốc ST660 và 750, tàu hút bùn 160 m³, Sửa chữa hoán cải 49 tàu vỏ thép, tàu vỏ hợp kim nhôm như: Grip của Bộ đội biên phòng, Hải quan, các tàu dầu khí, sửa chữa tàu khách, hoán cải tầu chở hàng cho các đơn vị vận tải đường thuỷ; Đóng mới tàu kéo L119-1100CV cho Cảng Hải Phòng, tàu cao tốc vỏ nhôm V59 cho Hải quan Việt Nam, sà lan mặt bằng 240T Thụy Điển cho Công ty Giấy Bãi Bằng, tàu hàng 1.450T, tàu hút 96, tàu cứu nạn SAR 27 của Cục Hàng hải Việt Nam, đóng các tổng đoạn cho tàu hàng 12.000T, tàu kéo 1.000CV xuất khẩu sang Singapore, tàu dẫn luồng Survey boat và tàu cứu thương xuất khẩu sang IRAQ. Sửa chữa các phương tiện gồm tàu khách, đoàn tàu đẩy và sà lan Bãi Bằng, hoán cải tăng tải các tầu chở hàng đến 1.500T, các tàu dầu khí như: Long Hải, Kỳ Vân, Long Sơn…

Hội nhập và phát triển trong giai đoạn toàn cầu hóa

Bước vào những năm đầu thế kỉ 21, đất nước ta bước vào thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở cửa và hội nhập. Ngoài việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng kĩ thuật, nhà máy đã chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ công nhân. Với kết quả của việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nhà máy có thể đóng được những sản phẩm có yêu cầu cao, phức tạp như tàu vỏ hợp kim nhôm, tàu cứu nạn trên biển. Đặc biệt, từ 2002, nhà máy đã đóng mới loạt tàu cứu nạn trên biển cho tập đoàn DAMEN (Hà Lan). Đây là những sản phẩm đặc biệt quan trọng có ý nghĩa trong sự phát triển của nhà máy những năm tiếp theo. Quan trọng hơn nữa, đây là những sản phẩm được chuyển giao công nghệ từ đối tác và công nghệ đóng tàu cao của Hà Lan cho Việt Nam. Sau 4 năm thực hiện hợp đồng, loạt sản phẩm đầu tiên có chất lượng tương đương chất lượng đóng tại Hà Lan được các chuyên gia Hà Lan và đăng kiểm quốc tế Lloyd's công nhận. Đây là những sản phẩm rất đáng tự hào của đội ngũ cán bộ công nhân nhà máy.

Cùng với hệ thống áp dụng quản lí chất lượng sản phẩm theo chuẩn quốc tế, lãnh đạo công ty luôn chú trọng nâng cao năng lực trình độ, ý thức người lao động để đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn để tạo niềm tin, thu hút đối tác đến với nhà máy. Từ đó tạo nên niềm tin, đổi mới không ngừng. Nhà máy thay đổi ngày càng hiện đại nâng cao năng lực đóng mới, đóng được tàu SAR, tàu biển từ 4.000 đến 5.000 tấn. Từ kết quả này, ngay từ 2005, nhà máy đã hợp tác toàn diện với nhà máy đóng tàu DAMEN (Hà Lan) với hơn 1.000 sản phẩm, phục vụ xuất khẩu. Đây là giai đoạn Sông Cấm từng bước trưởng thành và tự tin với nhiều sản phẩm, đó là: Đóng mới và sửa chữa nhiều loại tàu như: Tàu hàng 1.450T, tàu hàng 2.800T, tàu hàng 3.500T, tàu hàng 4.000T, tàu kéo 1.000CV, tàu cứu nạn SAR 27, SAR41, tàu khách 200 khách, tàu kéo ASD 2411, tàu kéo PUC 1204, trong đó trừ các tàu hàng từ 1.450T đến 4.000T cho các chủ hàng trong nước còn lại đều là các sản phẩm xuất khẩu.

Bước sang giai đoạn 2006 – 2009, hoạt động sản xuất của nhà máy mạnh mẽ và ổn định. Thực hiện chiến lược của ngành đóng tàu, ngày 30/7/2007, nhà máy chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Đóng tàu Sông Cấm theo chủ trương Cổ phần hóa. Do đó, công ty có chức năng sản xuất kinh doanh rộng rãi, phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế trong nước và thế giới, tạo cơ hội hội nhập sâu rộng hơn của đơn vị. Đồng thời cũng là cơ hội để CBCNV của Công ty trở thành những cổ đông của Công ty trực tiếp thực hiện quyền làm chủ của mình, cùng chăm lo cho Công ty phát triển, đưa Công ty trở thành một trong những đơn vị đóng tàu xuất khẩu hàng đầu của nước ta.

Tháng 11/2011, được sự chấp thuận của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC), Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm đã cùng Tập đoàn Đóng tàu Damen Hà Lan triển khai thành lập Công ty TNHH Dóng tàu Damen - Sông Cấm tại địa bàn 2 xã Lâm Động, Hoàng Động, huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng. Bắt đầu từ 2012, liên doanh đi vào xây dựng. Đây chính là thời kì phát triển mạnh mẽ của Sông Cấm. Từ chỗ mặt bằng sản xuất chưa đến 6ha, nhưng Công ty rất thành công với những con tàu nhỏ có hàm lượng công nghệ cao. Để nâng cao hoạt động, Công ty đã được bố trí diện tích 42ha tại huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Tháng 3/2014, sau hơn 1 năm thi công, Công ty TNHH Damen - Sông Cấm tổ chức khánh thành giai đoạn 1 Nhà máy đóng tàu Damen - Sông Cấm theo tiêu chuẩn châu Âu tại Hải Phòng. Liên doanh Damen - Sông Cấm đi vào hoạt động đã tạo cơ hội cho đội ngũ kĩ sư, công nhân đóng tàu của Sông Cấm được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp của tập đoàn đóng tàu hàng đầu thế giới. Liên doanh này là niềm hi vọng lớn của sự phục hồi của ngành đóng tàu Việt Nam. Năm 2012, Sông Cấm tiếp nhận Công ty TNHH NN MTV Đóng tàu Bến Kiền, nâng vốn điều lệ từ 142 tỉ đồng lên 620 tỉ đồng, giúp Sông Cấm không phải đầu tư thêm cơ sở mới mà vẫn tận dụng tối đa hạ tầng của bến Kiền. Sau khi tiếp nhận, năng lực đóng mới và sửa chữa các tàu của Công ty đặc biệt được nâng cao. Bên cạnh các sản phẩm truyền thống như tàu cao tốc, tàu kéo công suất lớn, tàu tuần tra, tàu đa năng,... Công ty còn tiếp nhận đóng mới các loại tàu như tàu container đến 1.000 TEU, tàu hàng trên 20.000 tấn, tàu chở xi măng, tàu cuốc, tàu hút bùn đến 5.000 m3.

Thế mạnh của Sông Cấm là đóng mới các loại tàu đặc chủng chất lượng cao như tàu cao tốc, tàu cứu nạn hàng hải, tàu kéo sức kéo lớn. Tiêu biểu: Tàu cao tốc (FCS) 5009 thuộc lớp (Defiant) là thiết kế độc quyền của Tập đoàn Damen Hà Lan  được đóng tại một số nhà máy của Damen trên toàn cầu.Nhưng Cty Sông Cấm đã đóng hàng chục con tàu FCS 5009. Tàu được xuất khẩu cho các chủ tàu trên khắp thế giới. Ngoài ra, các sản phẩm của sông Cấm có:Tàu cứu nạn hàng hải SAR 413, 427. Tàu cao cấp du thuyền FYS 6711. Tàu kéo ASD 3212, 3213, ASD 2810, ATD 2412 công suất từ 5.000 đến 7.000 mã lực. Đây là loại tàu kéo có công suất lớn nhất hiện nay trên thế giới. Mỗi năm, Sông Cấm xuất 20 - 30 tàu loại này cho các chủ tàu quốc tế. Năm 2017, lần đầu tiên đóng tàu Sông Cấm tham gia vào lĩnh vực đóng toa xe lửa cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam với hợp đồng kí lần 1 là 13 toa. Chất lượng các toa xe lửa của Sông Cấm không nhưng đảm bảo, đáp ứng các yêu cầu của ngành đường sắt mà còn vượt trội so với những toa xe lửa hiện hành, bởi vì việc chế tạo khung toa xe, Công ty áp dụng hoàn toàn công nghệ của đóng tàu thủy để tăng độ bền, giảm thời gian, chi phí bảo trì, sữa chữa định kỳ như phun hạt mài làm sạch vật tư, là tôn bằng máy, dùng sơn dành cho sơn tàu biển…

Giai đoạn tái cơ cấu được coi là quá độ đối với tất cả những công ty thuộc SBIC, nhất là vào những năm từ 2015 đến nay. Mặc dù vậy, từ mấy năm nay, Ban lãnh đạo Sông Cấm vẫn quán triệt phương hướng chỉ đạo sản xuất, đó là: Giữ vững và không ngừng phát triển ngày một tốt hơn mối quan hệ hợp tác với Tập đoàn Damen trên cơ sở đảm bảo lợi ích lâu dài cho các bên; Liên kết chặt chẽ với Công ty liên doanh Damen Sông Cấm, đảm bảo thu hút các hợp đồng đóng mới từ phía đối tác trong thời điểm khó khăn cũng như khi thị trường hồi phục; Tiếp tục củng cố lòng tin và uy tín đối với khách hàng; Tìm kiếm thêm các đối tác khác nhằm chủ động mở rộng thị trường, sản phẩm phù hợp với năng lực và thế mạnh của Công ty; Đàm phán xúc tiến thương mại, tích cực chuẩn bị các yếu tố kỹ thuật, tài chính, kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong đấu thầu tham gia các dự án, tìm kiếm các hợp đồng đóng mới tàu trong nước; Khai thác thị trường sửa chữa tàu, gia công các sản phẩm cơ khí trong nước; Đổi mới phương thức quản trị và điều hành sản xuất; Phân cấp rõ ràng hoạt động về quản lý sản xuất và điều hành sản xuất; Thực hiện song song công tác quản trị, lập kế hoạch dài hạn bao gồm: phát triển các sản phẩm mới, mở rộng thị trường, và quan hệ khách hàng với công tác điều hành sản xuất để thực hiện tốt các nhiệm vụ sản xuất; Nâng cao trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ cấp trung (trưởng phòng, quản đốc) thông qua rèn luyện thực tế và tổ chức các chương trình huấn luyện bởi cơ sở chuyên đào tạo cán bộ quản lý; Đào tạo và đào tạo lại đội ngũ kỹ sư và công nhân, nâng cao kiến thức chuyên môn, trình độ ngoại ngữ và tay nghề phù hợp với yêu cầu sản xuất; Cập nhật những thay đổi về tiêu chuẩn, công ước trong ngành đến từng người lao động, quy định chặt chẽ bằng vật chất và trách nhiệm của người lao động đối với chất lượng sản phẩm do mình làm ra.

Những phần thưởng và sự động viên vô giá

Tất cả những định hướng này đã giúp Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm duy trì và ổn định phát triển sản xuất, bảo đảm đời sống cho CBCNV-NLĐ, tạo đà cho Công ty cất cánh vào những năm tiếp theo. Với một mô hình phù hợp được kết hợp bởi các yếu tố: vai trò người đứng đầu, bộ máy lãnh đạo đồng bộ, tổ chức bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả, tinh thần đoàn kết nội bộ, các cấp lãnh đạo biết quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tạo thu nhập ổn định cho người lao động… là những yếu tố tạo nên sự thành công của một công ty đóng tàu. Đánh giá cao những thành tựu và năng lực của Công ty, ngày 19/11/2014, ông Commer Damen - Chủ tịch Tập đoàn Damen (Hà Lan) cùng đoàn công tác đã sang thăm và làm việc tại sông Cấm. Vị chủ tịch Damen đánh giá cao ban lãnh đạo Sông Cấm, dù trong thời gian ngắn nhưng đã tổ chức, sắp xếp tổ chức mặt bằng cơ sở mới một cách khoa học, hợp lí, phù hợp với dây chuyền đóng mới tàu xuất khẩu. Sau đó không lâu, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hà Lan tại Việt Nam cũng đến thăm và ghi nhận những kết quả mà Công ty đã đạt được. Sự thăm hỏi, động viên của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các tổ chức, đối tác là nguồn động viên sức mạnh lớn đối với Sông Cấm để quyết tâm hoàn thành những mục tiêu tiếp theo.

Có được như ngày hôm nay là do Sông Cấm có định hướng đúng đắn của Đảng và Nhà nước, Bộ giao thông Vạn tải, SBIC, Đảng ủy, Hội đồng quản trị, tập thể ban lãnh đạo Công ty CP Đóng tàu sông Cấm. Với thành tựu Sông Cấm đã đạt được, ngoài việc được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện đối tác trong và ngoài nước thăm hỏi, động viên, ghi nhận và đánh giá cao, trong quá trình xây dựng, và phát triển 60 năm qua, Công ty được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương lao động hạng nhất các năm 1985, 1991, 1995, 1999; Huân chương độc lập hạng ba năm 2002; Huân chương độc lập hạng nhì năm 2009; Anh hùng thời kỳ đổi mới năm 2005; Danh hiệu doanh nghiệp xuất khẩu uy tín các năm 2008, 2009, 2011, 2012-2013, 2014 do Bộ Công thương trao tặng.

Là đơn vị đóng tàu có bề dày kinh nghiệm 60 năm với một cơ ngơi khang trang, vững vàng, đội ngũ CBCNV-NLĐ, lãnh đạo đoàn kết, gắn bó; là những thế hệ hậu duệ của doanh nhân Bạch Thái Bưởi, những người của Đóng tàu Sông Cấm hôm nay đang viết tiếp nên những trang sử của ngành đóng tàu.

Lí Học