Chơi du thuyền, bạn có sợ say sóng?

Bạn thử tưởng tượng đã bỏ ra một số tiền lớn để đi du ngoạn trên biển, trên một du thuyền sang trọng mà phải luôn thủ trong người gói thuốc chống say sóng? Lắc ngang, lắc dọc, trồi lên, sụt xuống, biết bao chuyển động của con tàu bé nhỏ dưới bàn tay điều hành của đại dương mênh mông khiến cho đi biển thường là một nghề nghiệp chứ không giành cho người hưởng thụ.

Để giải quyết vấn đề này, người ta đã nghĩ ra trăm phương nghìn kế chống lắc cho tàu, mà giản đơn nhất chúng ta đều biết là cái vây giảm lắc bên hông tàu kéo dài suốt hai phần ba chiều dài, vây này có trên mọi loại tàu, từ tàu cá thô sơ tới các tàu hàng vài vạn tấn. Cái vây tuy thô sơ vậy nhưng có tác dụng khá tốt chống lắc cho tàu.

Khi tàu khách Thống Nhất được đưa về vận chuyển Bắc Nam, nối liền hai miền sau ngày 30/4/1975, bà con ta được chiêm ngưỡng cái “cánh cụp cánh xòe” chống lắc của con tàu vốn mang tên “Hoàng tử Harald” - con tàu phà chuyên phục vụ cho khách sộp du lịch tại Bắc Âu. Đó là một hệ thống đôi cánh có thể thò ra thụt vào khỏi thân tàu và có thể thay đổi góc chém của cánh nhằm điều chỉnh lực chống lắc. Cánh hoạt động nhờ hệ thống điện thủy lực và được tự động điều khiển bằng hệ thống con quay gyro.

Tàu khách Thống Nhất,  vốn mang tên là “Hoàng tử Harald”

 

Tàu khách Hoa Sen sau này cũng trang bị hệ cánh giảm lắc như vậy. Đã thăm thú cả hai con tàu, chúng tôi thấy, hệ thống đó quá cồng kềnh, với các két nước hai bên mạn, hệ thống con quay gyro, các động cơ servo, các đường ống dẫn, mạng điện, lỗ cho cánh thò ra thụt vào. Có lẽ hệ chống lắc này chỉ thích hợp với các con tàu to lớn cỡ gần 100 mét dài? Giải quyết chống lắc ra sao với chiếc du thuyền dài một chục, hai chục mét?

Các bước tiến như vũ bão của công nghệ thế kỷ 21 giúp ta trả lời câu hỏi này. Với Steve Job, chiếc điện thoại của Apple trở thành thông minh và thu gọn trong lòng bàn tay thì cơ điện tử hiện đại đã giúp người ta giải quyết các vấn đề chống lắc, ví như con quay gyro được thu nhỏ gọn mà vẫn đủ sức tạo mô men ngược với mô men gây nghiêng ngang, khiến cho con tàu giữ ở vị trí thăng bằng.

Hệ thống chống lắc cho du thuyền

 

Trong nhiều hãng chế tạo thiết bị chống lắc như các Seakeaper, Anti-Rolling… nổi lên hãng Rolls-Royce và Humphree. Rolls-Royce Anh Quốc thì có lẽ ai cũng biết, vì tên tuổi gắn với các ô tô loại sang, các thiết bị vũ trụ. Còn Humphree là một hãng nhỏ tại Gothenburg Thụy Điển. Rolls-Royce là một tập đoàn công nghệ lớn, họ quan tâm tới chống lắc cho tàu phá băng khi chạy với tốc độ chậm hay gần như đứng yên còn Humphree chỉ chuyên về chống lắc cho tàu thuyền nhỏ, trong đó có các yacht, một thị trường quá lớn và đã đạt kết quả tốt khi chống lắc zero-speed (khi tốc độ tàu bằng không). Thế là hai bên gặp nhau, và cùng tham gia triển lãm Inmex Vietnam, cùng khu gian hàng của DP Consulting, người đang tổ chức một loạt các tàu Greenlines đi các đảo ven biển. Tại triển lãm này, các bạn có dịp tìm hiểu sâu về hai thiết bị: Một là interceptor chống lắc dọc (trim) và hai là cánh (fin) chống lắc ngang (roll). Trong quân sự, interceptor được gọi là thiết bị đánh chặn, đánh phủ đầu, ở đây có lẽ người ta muốn diễn tả thiết bị nhằm chặn trước các con sóng định bắt con tàu lắc lư theo hướng dọc tàu. Đó là hai tấm bằng composite gắn tại mặt đuôi của tàu và được một hệ thống điều khiển góc mở của tấm. Còn hai cánh của hệ chống lắc ngang được gyro điều khiển góc quay, độ thò ra thụt vào. Tất cả rất gọn gàng cho một du thuyền nhỏ, có thể đặt cả interceptor và fin hay chỉ đặt một hệ thống, và được chọn lựa tùy theo đặc tính, tuyến hình của tàu.

Đoàn Văn Hai