Chính thức vận hành kênh đào 2.300 tỷ nối sông Đáy - Ninh Cơ
Ngày 25/7, Bộ GTVT công bố mở luồng thủy nội địa quốc gia kênh Nghĩa Hưng nối sông Đáy với sông Ninh Cơ.
Luồng đường thủy nội địa kênh Nghĩa Hưng dài 1,18km qua Nam Định; điểm khởi đầu tại Km8+300 sông Ninh Cơ (xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Hưng), điểm kết thúc tại Km35+450 sông Đáy (xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng).
Luồng Nghĩa Hưng là luồng thủy nội địa quốc gia có cấp kĩ thuật đặc biệt. Phía sông Đáy có bề rộng 90m, cao trình đáy -6,3m; phía sông Ninh Cơ có bề rộng đáy 100m, cao trình đáy -6,7m. Chiều cao tĩnh không thông thuyền 15m.
Cũng theo quyết định mở luồng, âu tàu Nghĩa Hưng có chiều dài 179m, chiều rộng 17m, chiều cao 10,5m; chiều dài hữu dụng 160m; cao trình đáy âu -7.0m; cao trình đỉnh âu +10,5m, kết cấu bê tông cốt thép.
Hệ thống neo cố định có ba mức nước vận hành, bao gồm 12 cụm neo hai bên, mỗi bên gồm 6 cụm neo.
Âu Nghĩa Hưng có 2 khu chờ tàu: Đầu âu tàu phía sông Ninh Cơ và đầu âu tàu phía sông Đáy, mỗi đầu có 7 trụ neo, 3 cầu bộ hành. Trọng tải cho phép đi qua âu đến 3.000 DWT.
Trước đó, cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ đã hoàn thành đúng tiến độ vào 30/6/2023. Cụm công trình này thuộc Dự án Phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ - Dự án WB6. Tổng mức đầu tư ban đầu hơn 107 triệu USD, giá trị thi công thực tế khoảng 75 triệu USD. Bộ GTVT là cơ quan chủ quản, chủ đầu tư là Ban Quản lý các dự án đường thủy.
Cụm công trình được khởi công ngày 1/3/2021, gồm các hạng mục chính: Xây dựng kênh nối giữa sông Đáy và sông Ninh Cơ với chiều dài khoảng 1km, chiều rộng đáy kênh 90-100m; Xây dựng âu tàu với kích thước buồng âu rộng 17m, dài 179m, cao độ đáy -7,0m.
Cùng đó, xây dựng cầu vượt kênh nối Đáy - Ninh Cơ với tĩnh không 15m, kết cấu bê tông cốt thép gồm 18 nhịp, chiều dài cầu 777,9m, chiều dài đường dẫn 1.497m. Ngoài ra còn có các hạng mục phụ trợ: Hệ thống phao tiêu báo hiệu, trồng cây, đê hoàn trả, hệ thống thủy lợi, điện và thông tin liên lạc.
Ngay sau khi mở luồng, khoảng hơn 10h, cửa âu phía sông Ninh Cơ mở ra, đón tàu NĐ-4002, tiếp theo là tàu NĐ-3334 sang sông Đáy. Hai tàu này neo trong âu, chờ cửa âu phía sông Ninh Cơ đóng lại, sau đó cửa âu phía sông Đáy mở ra, cân bằng mực nước bên ngoài và bên trong âu, tàu tiếp tục di chuyển ra khỏi âu ra phía sông Đáy.
Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ sẽ phát huy hiệu quả cao nhất của cụm công trình cải tạo luồng qua cửa Lạch Giang (đã hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2016), giúp cho tàu 2.000 tấn đầy tải và 3.000 tấn giảm tải có thể đi sâu vào đất liền đến cụm cảng Ninh Bình, Ninh Phúc, từ đó giảm chi phí vận tải, giảm gánh nặng cho đường bộ, giảm ô nhiễm môi trường.
GT
Bài viết liên quan
- Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ tăng cường hợp tác với Tập đoàn Damen - Hà Lan (16/11/2023)
- Tuổi trẻ SBIC tham gia sôi nổi các hoạt động thể thao chào mừng kỷ niệm 16 năm thành lập Đoàn Khối Doanh nghiệp Trung ương (11/10/2007 - 11/10/2023) (16/11/2023)
- 10 quốc gia ASEAN với việc khôi phục, phát triển hàng hải bền vững (16/11/2023)
- 2 tàu biển siêu sang đầu tiên cập vịnh Hạ Long trong mùa du lịch tàu biển mới (16/11/2023)
- Nhiều hãng tàu lớn đang lựa chọn đầu tư vào Việt Nam (16/11/2023)
- Cục Đăng kiểm Việt Nam tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực đăng kiểm phương tiện thủy nội địa (16/11/2023)
- Khách quốc tế qua cảng biển tiếp tục tăng mạnh (16/11/2023)
- Cước tàu chở hàng rời tăng mạnh, tàu container tiếp tục giảm (16/11/2023)
- Một trong những tàu container lớn nhất của MSC lần đầu cập cảng Việt Nam (16/11/2023)
- Hàng hóa qua cảng biển tăng trở lại (16/11/2023)