Cảng Chân Mây: Vượt qua khó khăn bệnh dịch, đảm bảo ổn định sản xuất     

Đại dịch Covid-19 năm 2020 đã làm xáo trộn cuộc sống, gây thiệt hại, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh, thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam. Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây cũng nằm trong số những doanh nghiệp đó. Tuy nhiên, với quyết tâm vượt qua khó khăn dịch bệnh, đảm bảo ổn định sản xuất kinh doanh được lãnh đạo Công ty sớm xác định và thực hiện từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, năm 2020, Cảng Chân Mây đã giảm thiểu mức độ thiệt hại từ dịch bệnh và cơ bản đạt mục tiêu sau khi đã điều chỉnh.

2020: Một năm chống chọi với Covid-19

Năm 2020, tác động của dịch cúm Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến kết quả kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020 của Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây. Trong đó, sản lượng hàng hóa xuất/nhập khẩu sụt giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm 2019, tương đương giảm 200.000 tấn hàng hóa xuất/nhập khẩu, so với cùng kỳ năm 2019. Đối với dịch vụ đón tàu khách, tính đến cuối năm 2020, tổng số lượt tàu bị hủy là 44 chuyến và dự báo sẽ kéo dài đến hết năm 2021. Nhìn chung, các chỉ tiêu kinh doanh, sản lượng thông qua Cảng năm 2020 đều giảm so với cùng kì năm 2019. Tổng doanh thu toàn Công ty giảm so với năm 2019, trong đó, dịch vụ thuê kho bãi, dịch vụ cung ứng xăng dầu trong năm 2020 giảm mạnh so với cùng kỳ. Cũng do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, tổng số lượt tàu du lịch bị hủy là 44 chuyến, dẫn đến sụt giảm nguồn thu so với kế hoạch khoảng 24 tỷ đồng. Năm 2020, tổng lợi nhuận trước thuế của Cảng Chân Mây đạt 14,403 tỷ đồng, giảm 55,5% so với cùng kỳ năm 2019,

Mặc dù sản lượng hàng hóa thông qua cảng giảm 9,6%, tổng lượt tàu ra vào đạt 259 lượt (giảm 28,3% so với 2019), lượng tàu du lịch đấn cảng Chân Mây chỉ đạt 14 lượt tàu (giảm 68,9%), nhưng doanh thu về sản lượng, khai thác cầu bến và tài chính năm 2020 của Cảng Chân Mây là 133,673 tỷ đồng đạt 101,57% so với kế hoạch điều chỉnh (131,6 tỷ đồng). Lợi nhuận trước thuế đạt 14,403 tỷ đồng đạt 251,67% so với kế hoạch điều chỉnh 2020 (5,723 tỷ đồng). Năm 2020, Cảng Chân Mây đã nộp ngân sách 4,5 tỷ đồng đạt 132,4% so với kế hoạch giao (3,4 tỷ đồng).

Công tác kinh doanh và phát triển thị trường của Cảng Chân Mây năm 2020 dù bị ảnh hưởng của Covid-19 nhưng Công ty luôn đảm bảo chất lượng dịch vụ, sắp xếp hợp lý mọi hoạt động của Cảng nhằm triển khai liên tục 24/7, đảm bảo tiến độ theo hợp đồng đã ký kết với khách hàng. Với việc xác định sứ mệnh sống còn của Công ty phụ thuộc vào thị trường hàng hoá và lượng khách hàng ký kết với cảng nên Cảng Chân Mây đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát triển thị trường. Một Ban chuyên môn, phụ trách công tác này đã được thành lập. Sau gần 5 tháng đi vào hoạt động, công tác phát triển thị trường đã đạt được một số kết quả khả quan, hứa hẹn mang lại nhiều nguồn hàng mới trong đó có mặt hàng container. Điều này phù hợp với phương châm phát triển của Công ty  Giữ vững thị trường hiện hữu, tìm kiếm thị trường mới, khách hàng mới”.

Năm 2020, tổng doanh thu từ hoạt động kinh doanh dịch vụ cung ứng tàu biển của Cảng Chân Mây ước đạt 13,796 tỷ đồng, đạt 51,79 % kế hoạch và chỉ bằng 47,65 % năm 2019 (28,95 tỷ đồng). Doanh thu giảm mạnh là do tình hình dịch bệnh lan rộng trên toàn cầu, dịch vụ du lịch trên toàn thế giới bị đóng băng nên doanh thu của Công ty trong lĩnh vực này giảm mạnh. Kèm theo đó, các khoản doanh thu như xăng dầu, điện, nước, vận tải,... cũng bị giảm theo. Dịch vụ đại lý tàu biển mới được đưa vào hoạt động, bước đầu kết quả đem lại chưa cao nhưng trong thời gian đến, đây được xem là một dịch vụ chiến lược khả năng đem lại lợi nhuận cho Công ty.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số CBCNV-NLĐ Công ty gồm có 290 người, trong đó: 8 lao động quản lý; lao động không xác định thời hạn là 254 người; lao động có thời hạn hợp đồng 01 - 03 năm là 25 người và lao động thời vụ là 03 người. Trong năm 2020, số lao động tăng là 12 người, số lao động giảm là 08 người, 100% CBCNV-NLĐ đều có việc làm ổn định.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh trong năm 2020, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh giảm so với năm trước nên dự kiến thu nhập bình quân của người lao động năm 2020 khoảng 10,54 triệu đồng/tháng/người giảm 11% so với năm 2019 (11,89 triệu/người/tháng).

Công tác chăm lo đời sống CBCNV-NLĐ được quan tâm, giải quyết kịp thời các chế độ BHXH, BHYT. Việc thực hiện bồi dưỡng bằng hiện vật ước tính năm 2020 với tổng số tiền khoảng 530 triệu đồng, ngoài ra, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng nhu cầu công việc, Công ty đã tổ chức đào tạo trong năm 2020 là 485 lượt với tổng chi phí đào tạo hơn 126 triệu đồng

Cảng Chân Mây sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ năm 2021

Trong tình hình kinh tế có dấu hiệu phát triển rất chậm do ảnh hưởng rất tiêu cực của dịch bệnh do Covid-19 gây ra, bên cạnh đó, mức độ cạnh tranh trong vùng ngày càng tăng khi cảng Hào Hưng ra đời cũng làm ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty.

Một số chỉ tiêu cơ bản kế hoạch sản xuất kinh doanh cho năm 2021:

+ Sản lượng hàng rời:                                2.940.000 tấn

+ Sản lượng hàng container:                      20.000 TEUs

+ Tổng doanh thu và thu nhập khác:                    184,7 tỷ đồng

+ Doanh thu từ sản xuất kinh doanh:                   184,7 tỷ đồng

+ Lợi nhuận trước thuế:                              1,662 tỷ đồng

+ Nộp ngân sách:                                       3 tỷ đồng

Về kế hoạch lao động và tiền lương:

+ Tổng số lao động dự kiến tuyển mới:       24 người

+ Số lao động dự kiến nghỉ hưu:                03 người

+ Lương bình quân:                                   8,57 triệu đồng

+ Thu nhập bình quân:                              9,5 triệu đồng

Tổng giá trị kế hoạch đầu tư năm 2021:     220.104 triệu đồng


Đứng trước những khó khăn, thách thức đó, năm 2021, Cảng Chân Mây sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: Bảo đảm ổn định nhịp độ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững. Bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động; Tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thị trường, không ngừng cải cách công tác quản trị sản xuất, tiết kiệm chống lãng phí; Nâng cao năng xuất và đảm bảo thu nhập cho người lao động, tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh, đầu tư. Tiếp tục củng cố thương hiệu, uy tín, nâng cao năng lực cạnh tranh; Hoàn thành dự án xây dựng Bến số 02, mở rộng kho bãi và tập trung cho chiến lược khai thác hàng container;...

Để thực hiện được các chỉ tiêu đã đề ra, Công ty đã xây dựng các giải pháp cụ thể về kinh doanh, giải pháp về điều hành sản xuất, giải pháp về quản trị tài chính, giải pháp về tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, giải pháp trong công tác quản lý kỹ thuật, bảo trì, bảo dưỡng trang thiết bị, cơ sở vật chất,…

Năm 2021, bằng nỗ lực vượt khó khăn, thách thức, với sự lãnh đạo, kinh nghiệm, sự nhiệt huyết của toàn bộ CBCNV-NLĐ, Cảng Chân Mây sẽ có được một năm đạt nhiều thành công.

 

Ba đề xuất, kiến nghị của Cảng Chân Mây với Kế hoạch công tác năm 2021

1. Đề nghị Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) đề xuất lên cấp trên quy hoạch vùng hậu phương cảng biển ưu tiên cấp đất cho doanh nghiệp cảng phục vụ nhu cầu mở rộng kho bãi và dự phòng nhằm phát triển kinh tế xã hội đồng bộ và giảm thiểu chi phí trong chuỗi cung ứng logistics, tránh cấp đất manh mún cho quá nhiều nhà đầu tư.

2. Trong năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục cấp phép hoạt động cho vùng chuyển tải tại Thuận An, tỉnh Thừa Thiên Huế. Hoạt động này đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc xúc tiến thu hút nguồn hàng clinker xuất khẩu từ Nhà máy Xi măng Đồng Lâm với sản lượng dự báo hàng năm khoảng từ 200.000 - 300.000 tấn hàng. Ngoài ra hoạt động này ảnh hưởng đến định hướng chiến lược đầu tư với quy mô hiện đại và bền vững của Cảng Chân Mây nói riêng và các doanh nghiệp cảng trong khu vực nói chung. Kính kiến nghị Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy có ý kiến đến Bộ GTVT về vấn đề này.

3. Kính đề nghị Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy hỗ trợ, đề xuất với các cơ quan cấp trên, các chương trình ngoại giao xúc tiến tạo cơ hội cho Cảng Chân Mây có thể tiếp cận các khách hàng tại Lào và Đông Bắc Thái Lan.

Lên Văn Tiến