Bè mảng Sầm Sơn: Hành trình tìm về nguồn cội

Chuyến hành trình vượt biển 5500 dặm của giáo sư Tim Severin từ Hồng Kông sang Mĩ mang lại nhiều cảm hứng tích cực cho những người yêu thích thuyền buồm. Đặc biệt là cuốn sách “Bè tre Việt Nam 5500 dặm vượt Thái Bình Dương” của Tim kể lại chuyến hành trình ấy được xuất bản sau đó không lâu. Với những người chuyên ngành hàng hải và không chuyên, bè tre Sầm Sơn càng trở nên gần gũi và thích được khám phá hơn khi cuốn sách của Tim được dịch và Nhà Xuất bản Trẻ ấn hành năm 2014.

  1. Tim Severin – cú huých ban đầu

Vào tháng 11 năm 2018, khi chuyến hành trình của Tim kết thúc vừa tròn 24 năm, Tim đã có chuyến trở lại Sầm Sơn, Thanh Hóa. Sầm Sơn nay đã là một thành phố du lịch nổi tiếng của Bắc Trung bộ, không còn là một thị xã nghèo khi xưa Tim đến sống và trải nghiệm làm chiếc bè tre vượt đại dương. Chuyện của chiếc bè tre Sầm Sơn, thêm một lần nữa lại có những điểm đặc biệt, khi đồng hành cùng Tim ở Sầm Sơn, ngoài dịch giả - kĩ sư tàu thủy Đỗ Thái Bình (người đã dịch cuốn “Bè tre Việt Nam 5500 dặm vượt Thái Bình Dương” sang tiếng Việt), thì còn có 2 đồng sự khác của dịch giả này là một chuyên gia tài chính ngân hàng Đỗ Nguyên Ái và một doanh nhân ở Hà Nội – Phùng Việt Trung. Sự xuất hiện của những người không chuyên ngành tàu thủy- thuyền buồm này sẽ không có gì cần nhắc đến nếu như chỉ là chuyến gặp gỡ, tìm hiểu bè mảng Thanh Hóa. Nhưng, cuộc đời thường có cái Duyên.

Tạp chí Công nghiệp Tàu thủy là một thành viên của Hội khoa học kĩ thuật đóng tàu (VISIA) Việt Nam. Kĩ sư Đỗ Thái Bình là Phó chủ tịch Hội, nên trong chuyến trở về Thanh Hóa của Tim Severin, chúng tôi - người viết bài này cũng có duyên để vào để tác nghiệp. Sầm Sơn – một thành phố du lịch, giờ đây nhiều khách sạn lớn và đón nhiều khách tham quan quốc tế. Những cuộc gặp gỡ của Tim với người dân - đồng sự của ông ở đây cùng những chuyện về bè mảng Sầm Sơn là một cú huých không nhỏ đối với Đỗ Nguyên Ái. Tôi được biết, Đỗ Nguyễn Ái nguyên gốc là người Quảng Nam - mảnh đất của những người dũng cảm và có tính hay cãi. Nhưng với những người Quảng Nam thời 4.0 vào Sài Gòn sinh sống như anh Ái, chỉ có phản biện mà không cãi vã. Sau những lần nghe Tim nói, Đỗ Nguyên Ái nói với Phùng Việt Trung: Tim làm được, tại sao mình không làm được? Bè tre của người Việt Nam ta, các cụ ta đã làm, tại sao giờ ta không làm?

Khi Tim cùng đoàn làm phim của VTV vẫn còn đang mải miết ghi hình ở Sầm Sơn thì Đỗ Nguyên Ái và Phùng Việt Trung đã lên đường về Quảng Đại, một xã nhỏ thuộc thành phố Sầm Sơn của Thanh Hóa. Anh Ái có kể với tôi rằng, ý tưởng làm một bè tre theo đúng nguyên mẫu của ngư dân Thanh Hóa lóe lên trong đầu và cần triển khai ngay lập tức. Ban đầu là phần khảo sát. Ngày hôm đó, đi từ thành phố Sầm Sơn, dọc theo bờ biển, anh Ái nhìn thấy một chiếc bè đánh cá, liền bám theo. Tận khi chiếc bè khuất vào một làng gần đó, anh cùng Phùng Việt Trung đi ô tô tìm theo, mới biết đó là xã Quảng Đại, một xã có nghề cá và cũng là có nghề đóng bè tre nổi tiếng của vùng này. Thật bất ngờ, khi đặt chân đến xã Quảng Đại, anh Đỗ Nguyên Ái tận mắt thấy những chiếc bè tre của ngư dân đang đậu kín bờ biển. Trên bãi cát, giữa hàng thông xanh, gió vi vu quanh năm, là những chiếc bè tre đang đóng dang dở, những ngư dân đang đục đục chát chát, chằng chằng buộc buộc thật nhộn nhịp và rộn ràng… Không còn nghi ngờ gì nữa, Đỗ Nguyên Ái coi như đã tìm được nơi để đóng cho bè tre trong dự án của mình. Chuyến ngược về Sài Gòn hôm đó, chiếc máy bay như nặng cánh hơn bởi bao ý tưởng và suy nghĩ về một dự án cho chiếc bè tre Việt Nam 100% không có yếu tố nước ngoài sẽ được đóng và vượt biển…

  1. Quảng Đại, những ngày mưa bão

Để đóng một chiếc bè tre theo đúng quy chuẩn truyền thống của ngư dân Sầm Sơn, theo đơn giá hiện tại, phải từ 70 đến 100 triệu. Dự tính ban đầu sẽ đóng 2 bè như vậy cũng tốn kém 200 triệu, đó là chưa kể những chi phí khác. Thật không dễ dàng để huy động số tiền ban đầu đó và khó hơn là cần phải có những người thực sự đam mê, sẵn sàng cống hiến cho một chương trình dài hơi và tốn kém này. Người xưa thường nói “Ở hiền gặp lành” mà nhóm dự án của Đỗ Nguyên Ái sớm được thành lập với sự tham gia của đông đảo bạn bè yêu thuyền buồm truyền thống nên chi phí cho Dự án không còn là nỗi lo.

Sau nhiều ngày bàn thảo thống nhất, nhóm Dự án Bè tre Việt Nam 2019 đi tới thống nhất, sẽ đóng 2 bè tre để tổ chức chuyến đi vượt biển từ chân đền Độc Cước (Sầm Sơn- Thanh Hóa) vào đảo Phú Quốc. Hai chiếc bè tre sẽ đóng tại thôn Phú Xá, xã Quảng Đại, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa theo đúng “tiêu chuẩn” bè mảng truyền thống của ngư dân Sầm Sơn:  mỗi chiếc dài 10m, rộng 2.9m, trang bị 3 buồm và một động cơ phụ. Bè thứ nhất, đặt tên là Nhụy Kiều. Bè Nhụy Kiều, lấy theo danh hiệu Bà Triệu – một nữ anh hùng của xứ Thanh Hóa đã có công chống quân xâm lược Đông Ngô năm 248. Đây là một chiếc bè "cổ điển" đúng theo bè  mảng Sầm Sơn truyền thống với một lớp 27 cây luồng, 3 xiếm, 3 buồm tứ giác treo lệch 1/3. Cột buồm cao 10m. Chiếc bè thứ 2 được đặt tên là bè Bình Định Vương. Bình Định Vương, lấy tên theo danh hiệu của Đức Lê Thái Tổ - một anh hùng hào kiệt đất Thanh Hóa đã có công dẹp giặc Minh và lập ra triều Lê (1428 - 1789) của Việt Nam. Đây là  một chiếc bè "cải tiến', với 3 buồm. Mỗi bè chở cùng lúc 3 đến 4 và nhiều vật dụng khác.

Xiếm -  Vật thò khỏi vỏ bè giúp bè khỏi bị dạt ngang khi chạy buồm

Từ đầu tháng 11/2018, công việc triển khai rất khẩn trương. Những chuyến về Quảng Đại - Sầm Sơn - Thanh Hóa  như con thoi. Các thành viên đội Dự án từ Hà Nội, Hội An, Đà Nẵng, Kiên Giang… lần lượt trở về Quảng Đại để tìm hiểu và cuối cùng thống nhất phương án đóng bè ngay tại Quảng Đại với sự chỉ đạo và thi công trực tiếp của hai ngư dân Phạm Kim Mạnh và Nguyễn Bá Trông ở thôn Phú Xá. Đây cũng là hai người có kinh nghiệm đi biển và kinh nghiệm đóng bè trên 20 năm. Ngoài những kinh nghiệm và thống nhất về cách đóng bè truyền thống, nguyên - vật liệu để đóng bè là một câu chuyện dài. Bè tre - như tên gọi của nó đã rất khác những những chiếc tàu gỗ, thuyền mủng. Nguyên liệu chính là làm bằng tre. Nhưng tại sao chỉ Thanh Hóa có bè tre mà những địa phương khác không có. Câu chuyện để giải thích nguồn gốc của trống đồng cũng như nhiều di sản văn hóa khác cho chúng ta một nhận định rằng, dứt khoát Thanh Hóa là vùng dồi dào về tre hoặc tre Thanh Hóa có nhiều đặc điểm ưu việt mà tre vùng khác không có. Và đúng như vậy, ngư dân Nguyễn Bá Trông cho biết rằng, tre làm bè không phải tre mua thông thường ngoài chợ mà phải lên tận huyện Lang Chánh (thuộc tỉnh Thanh Hóa) cách đó độ 100km để chọn tre. Lang Chánh là huyện miền núi bạt ngàn rừng tre. Tre Lang Chánh có điểm là cao, thân to, chắc chắn. Hơn nữa, kể cả lên Lang Chánh mua tre, không phải cây tre nào cũng làm được bè. Non quá, già quá đều hỏng. Nguyễn Bá Trông tiết lộ rằng, tre tầm 2 năm tuổi là độ tuổi thích hợp và chuẩn nhất để làm bè. Còn làm thế nào để biết được tre 2 tuổi là một câu chuyện bí kíp nghề nghiệp dài dài, chúng tôi sẽ trở lại vào dịp khác. Để công việc thi công đảm bảo và đúng tiến độ, Đội dự án đã tổ chức cho các thành viên luân phiên nhau về Quảng Đại sống cùng ngư dân lo liệu công việc đóng bè.

Sầm Sơn mùa hè gió mát trăng thanh, sóng vỗ rì rầm đẹp như một bức tranh có nhạc điệu là vậy, nhưng về mùa đông, từng cơn gió rét thấm vào da, buốt thịt. Đứng bên bờ biển Quảng Đại vào những chiều đông, ai nấy đều thấy tái tê. Thế mà những thành viên của Dự án Bè tre, gồm những người “mặt trắng thư sinh” về ở trong một căn lán tạm của ngư dân bên bờ biển, nằm trên nền xi măng, lạnh buốt xương… Anh Châu Hùng người Sài Gòn và anh Lê Hộ người Đà Nẵng còn không quen cái lạnh miền Bắc vẫn “bám vững trận địa”, ở Quảng Đại hàng tháng trời khi chiếc bè đã đóng xong. Có người bảo: Mấy gã khùng, nhà cao cửa rộng không ở, ra Quảng Đại mà hành xác…  Cuối tháng 12/2018, những nút buộc bè tre cuối cùng cũng hoàn thành. Hai chiếc bè tre mang tên hai vị anh hùng đất Thanh Hóa đã có diện mạo mới. Buồm trắng, buồm nâu phần phật hứng những cơn gió mùa đông lạnh giá đã sẵn sàng chuẩn bị ra khơi. Ngày 30/12/2018, mặc dù sóng to, gió lớn, tiết trời mưa, rét lạnh cóng nhưng bãi biển thông Phú Xá, xã Quảng Đại đã chứng kiến hai chiếc bè tre hạ thủy, đón những con sóng đầu tiên đập vào thân bè. Những cây luồng dài 10 mét bắt đầu được thử thách…

Ngày hạ thủy, dường như ai nấy đều rạng rỡ và tin vào tay nghề của những ngư dân Quảng Đại. Tôi có nói chuyện rất lâu với Đỗ Nguyên Ái về hai chiếc bè Dự án và chiếc bè mảng mà Tim Severin đã vượt 5500 dặm. Cả hai chúng tôi đều rất nhớ những tâm sự của Tim tại Thanh Hóa tháng 11 năm 2018, khi ông quay về Sầm Sơn. Về đại ý, ông ta cũng thừa nhận rằng, chiếc bè mảng của ông đã gặp trục trặc bởi hai sai lầm hết sức cơ bản: Thứ nhất, bè mảng của Tim không làm kích thước như truyền thống của ngư dân Sầm Sơn. Để cho chiếc bè mảng dài hơn, Tim đã cho nối những cây luồng. và dùng 3 lớp luồng ở đáy bè chứ không dùng một lớp luồng. Chính vì những cây luồng nối đó mà trong quá trình gặp sóng - gió rung lắc, các vết nối đã không chịu nổi. Thứ hai, vì dùng 3 lớp nên xiếm bè không được gắn kĩ và không giữ ổn định. Hai khe cố định xiếm phía trên và phía dưới quá xa nhau và không liên kết chặt nhau. Trong điều kiện sóng gió lớn, xiếm cắm sâu dưới mặt nước 2m rung lắc dữ dội làm vỡ khe dưới xiếm, đứt dây buộc bè. Đỗ Nguyên Ái bảo tôi rằng: Không ngẫu nhiên mà chiếc bè Sầm Sơn có kích thước không thay đổi hàng ngàn năm nay. Hẳn tổ tiên chúng ta đã trải qua nhiều mất mát lắm thì mới đúc rút được những kinh nghiệm để tạo ra chiếc bè ổn định và an toàn. Nguyên tắc chiều dài chỉ bằng một cây luồng xuyên suốt, không hay đổi. Tương ứng với nó, chiều rộng là bao nhiêu nữa, các cụ đã tính cả, không phải các cụ không có điều kiện hoặc không thích làm bè to, mà đơn giản, các cụ biết là không thể làm to hơn được nếu muốn an toàn. Tât cả những gì tồn tại hàng nghìn năm tới nay, đều có lí do của nó. Tim là người phương Tây nên nhiều khi không chú ý điều này.

Để có chuyến hành trình từ Sầm Sơn đến Phú Quốc có chiều dài 1207 hải lí (khoảng 2.235km), bè tre tốt cũng chưa đủ, cần phải tổ chức tốt đội thủy thủ vận hành bè tre và những kĩ năng của thuyền viên khi đi trên một chiếc bè truyền thống (rất khác so với đi trên những chiếc tàu máy bây giờ). Từ 9/12/2018 đến 29/12/2018, nhóm Dự án tổ chức tuyển mộ thủy thủ, sát hạch các kĩ năng, sau đó tổ chức nhiều lớp huấn luyện và trang bị lí thuyết hàng hải như kĩ năng định vị, xác định phương hướng, tính tốc độ, sử dụng hải đồ và các công cụ hàng hải, an toàn hàng hải, luật hàng hải… Và cuối cùng, các thủy thủy có 3 tuần (từ 02/01/2019 đến 19/01/2019) các thủy thủ hội tụ về Quảng Đại để thực tập sử dụng bè tre thuần thục…

  1. Hành trình tâm linh

Uống nước nhớ nguồn là đạo lí của dân tộc Việt Nam. Làm bè tre truyền thống là công việc tìm về nguồn cội, công việc lưu giữ những giá trị truyền thống của dân tộc. Khi mà các ngư dân hiện nay đã dùng thuyền máy thay thuyền buồm, bè máy thay bè chạy bằng buồm thì những chiếc bè truyền thống chạy bằng buồm sẽ mai một và không còn. Ngoài giá trị bảo tồn, việc đặt tên hai chiếc bè là Nhụy Kiều và Bình Định Vương cũng cho thấy Dự án Bè tre 2019 đã thành tâm hướng về nguồn cội, tri ân những anh hùng của dân tộc, anh hùng của quê hương bè tre. Theo truyền thống và tín ngưỡng của ngư dân Sầm Sơn, trước mỗi sự kiện phạt mộc, hạ thủy, nhóm Dự án đều có nghi lễ đến đền Độc Cước, đền thờ Bà Triệu, Thái miếu nhà Lê ở Thanh Hóa. Và theo đó, những lời cầu khấn của nhóm dự án trước vong linh tiền nhân, thần nhân chính là những lời lẽ chân thành và thực tâm nhất. Xin trích lại một vài dòng: “Kể từ các vị tiền hiền khai hoang lập quốc, khởi thủy là ở ngay tại xứ sông Mã này, ra đến đồng bằng Sông Hồng, sông Đáy, rồi lại vào đến Sông Gianh, Sông Hương, Sông Hàn, sông Thu Bồn,... cho đến chín dòng Sông Cửu Long, mỗi bước mỗi bước đi đều không khỏi dùng đến bè mảng ghe thuyền. Trải qua mấy nghìn năm vừa xốc vác sáng tạo, vừa hết lòng học hỏi từ các dân tộc lân bang, kỹ nghệ đóng thuyền và nghệ thuật sử dụng thuyền bè của cha ông chúng con từng có lúc lẫy lừng trong cõi. Kẻ thì chuyển người vận lương, người lại ngược xuôi buôn bán. Rồi khi có quân thù đến, nhà nhà như một, thuyền thuyền không hai, biết bao trận thủy chiến hải chiến hãy còn âm vang trong sách sử. Chẳng may, gặp khi vận nước u ám, nghề hàmg hải cũng phải lúc nguy nan. Ngoài bể thì ngư dân bị láng giềng truy bức, trong bãi thợ thầy cũng lắm nỗi gian truân. Chúng con đêm nằm mà giật mình sợ hãi, cứ nghĩ đến chỉ dăm mươi năm nữa, khi các cụ lão ngư lão nghệ trong nghề, nay còn đó, về với tổ tiên, thì bao công sức của cha ông trong cả mấy ngàn năm, bao bí quyết khoa học, bao tài khéo kỹ nghệ, sẽ thành ra đổ sông đổ bể hết. Lũ anh em chúng con, tài hèn sức yếu, chỉ vì nỗi lo sợ kia mà hăng hái trong lòng, đồng tâm hợp lực cố cứu vãn được con bè, cái ghe, chiếc xuồng nào, thì hay chút ấy. Nhìn dặm đường xa mà rợn tóc gáy, chúng con cúi xin chư vị thánh thần cùng liệt tổ liệt tông: Phù hộ cho anh em chúng con khi nào cũng được thuận hòa, vui vẻ với nhau; Phù hộ cho công việc đóng hai chếc bè này được xuôi chèo mát mái trong mưa thuận gió hòa; Phù hộ cho chuyến đi hơn ngàn dặm về Nam của chúng con được thuận buồm xuôi gió, đi đến nơi về đến bến an toàn; Phù hộ cho chúng con nhận được sự giúp đỡ hỗ trợ nhiều hơn từ cộng đồng, ngõ hầu còn dám tính đến những công việc lớn hơn, xa hơn là việc đóng hai chiếc bè tre và xuôi gió từ Bắc vào Nam”. Đó chính là những lời tha thiết, thực tâm nhất của những người tham gia chương trình Bè tre Việt Nam 2019.

  1. Khúc ca lên đường

Ngày 20/01/2019, tại làng chài Phú Xá, xã Quảng Đại, những người yêu thuyền buồm và nhiều ngư dân dậy từ rất sớm. Họ rục rịch chuẩn bị cho một chuyến đi xa. Lần này ngoài những thuyền viên của nhóm Bè tre ra khơi Nam tiến thì hai ngư dân - đồng thời cũng là hai người đóng những chiếc bè tre của Dự án sẽ cùng lên đường là Đoàn Công Tuấn và Phạm Kim Mạnh. Sự tham gia của hai ngư dân như là một giải pháp về kĩ thuật, nhưng cũng là một liệu pháp tinh thần. Khi trởi hửng sáng, tất cả đã sẵn sàng. Cuộc chia tay bịn rịn của những người làm Dự án bè tre 2019 đã sống ở đây hơn 1 tháng trời với ngư dân diễn ra thật cảm động. Kịch bản ban đầu là sẽ đi bè đến chân đền Độc Cước từ chiều 19/1/2019 rồi hôm sau làm lễ khởi hành sớm, nhưng có lẽ vì cái bịn rịn, lưu luyến ấy mà bè trưởng Châu Hùng của đoàn đã kiên quyết không đi, bảo rằng, cứ ở Quảng Đại đến này 20/01/2019 rồi mới lên đền Độc Cước… Đấy, cái tình, cái nghĩa của người dân làng chài nghìn năm nay vẫn vậy. Vẫn đằm thắm, chân thành, mến khách, để đến nỗi khách đến chẳng muốn đi. Tình người như vậy thì bè tre còn sức sống…

Không có tiếng còi nào để báo hiệu lên đường, chỉ có những hình ảnh vẫy tay chào tạm biệt nhau của những người dân làng chài Phú Xá ở lại đối với những người lên bè hành trình về phương Nam. Chặng hành trình 1207 hải lí bắt đầu. Bè tre truyền thống Bình Định Vương và Nhụy Kiều giương buồm căng gió ra khơi, nhằm về hướng Nam. Khi bài viết này đến tay bạn đọc thì có lẽ đoàn hành trình đã đi được 3 phần 4 chặng đường. Đến đây, tôi lại văng vẳng câu nói của Đỗ Nguyên Ái nói với tôi vào hôm Tim Sevevin về Thanh Hóa tháng 11 năm ngoái: “Mình làm được. Dứt khoát phải làm được.Tổ tiên đi bè khắp đại dương, thì chúng ta phải làm gì để tiếp nối, giữ gìn truyền thống.”.

Tựa hồ rằng, bè tre Việt Nam với những con người như ở làng chài Phú Xá, với những người trong nhóm Bè tre 2019, sẽ luôn được gìn giữ, bảo tồn. Đó là một minh chứng, rằng từ xa xưa tổ tiên ta đã có những phương tiện hết sức thô sơ nhưng không hề lạc hậu, có thể vượt trùng dương vạn dặm, và ngày nay, cháu con vẫn tiếp nối và duy trì. Đó là sức sống của một dân tộc.

Viết xong ngày Rằm tháng Một năm Mậu Tuất

Nguyễn Văn Học